Đã vào mùa cưới, những tấm thiệp mời báo hỷ ngày càng nhiều. Đi đám cưới, được mời ngồi bàn gần sân khấu cho trang trọng nhưng lần nào tôi cũng thoái thác, tìm cách ngồi cuối dãy để né tiếng ồn từ âm thanh của mấy cái loa đặt trước sân khấu. Ngồi ở dưới nhìn lên mới thấy tội nghiệp các ông bô, bà lão ngồi bàn giữa, ăn uống được gì đâu trong tiếng chát bùm muốn điếc lỗ tai.
Mới dự một đám cưới đãi tại nhà, chủ mời cả dàn nhạc sống về trình diễn. Ăn được món đầu, đến món thứ hai tôi phải về vì chịu không nổi tiếng ồn; muốn nói chuyện người ngồi kế bên mà cứ như phải la lên. Vui thì có vui với tiếng nhạc, lời ca, nhưng ồn quá thành mất vui; mà hình như người ta chỉ thích cái gì to hơn, lớn hơn, hoành tráng, quy mô hơn nhưng chẳng lưu ý sẽ thu lại được gì!
Mới đây, có bạn mời ghé một quán bình dân. Hồi đó giờ mới thấy có quán bình dân không ồn ào. Các khách ăn uống nói chuyện rù rì, không lớn tiếng, dù có uống bia. Quán còn mở nhạc không lời rỉ rả. Chủ quán chắc cũng là người sành nhạc, ngồi uống bia lai rai mà nghe bài nào cũng “đã”. Không hiểu tại không khí quán nên thực khách cũng tao nhã theo, hay do thực khách tao nhã mà quán êm đềm? Nghe bạn kể, có lần một nhóm khách vào ăn nhậu lớn tiếng, dù chẳng đụng chạm đến ai, nhưng chủ quán kiên quyết đề nghị họ nói chuyện nhỏ lại hoặc đi về, chứ quán không chấp nhận. Chuyện hiếm thấy!
Khen bạn khéo chọn quán và kể cho bạn nghe chuyện “cái lỗ tai” bây giờ chịu ồn không nổi. Bạn chỉ cười xì phán: Ở nơi công cộng mà nhậu la hét lớn tiếng, không chú ý đến lỗ tai người chung quanh thì cũng là một biểu hiện của người có văn hóa... lùn!
Thiện Sơn