Qua thời tải nhạc miễn phí

Bắt đầu từ ngày 1-11-2012, người nghe nhạc Việt Nam sẽ phải trả tiền khi tải nhạc với mức phí dự kiến 1.000 đồng/lượt, hoặc thu theo thuê bao hàng tháng.
Qua thời tải nhạc miễn phí

Bắt đầu từ ngày 1-11-2012, người nghe nhạc Việt Nam sẽ phải trả tiền khi tải nhạc với mức phí dự kiến 1.000 đồng/lượt, hoặc thu theo thuê bao hàng tháng.

Trong 5 năm vừa qua, sản lượng băng đĩa của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) sụt giảm hơn 80%; trong khi đó, có 25 triệu người nghe nhạc/tháng trên web tại Việt Nam (theo số liệu thống kê của Google AD Planner). Vì thế, ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch RIAV, kết luận thẳng thừng: “Ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên internet và di động trong nhiều năm qua”.

Việc MVCorp đạt được thỏa thuận hợp tác trong việc phân phối dịch vụ âm nhạc trực tuyến với 6 “ông lớn”, gồm: Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui.vn (24h), Socbay.com, Nghenhac.info, Go.vn và các nhà mạng: Viettel, Mobifone… đã là một tín hiệu đáng mừng, để giới sáng tác, các nhà sản xuất âm nhạc Việt Nam có được niềm tin và động lực để tiếp tục “dấn thân” (gọi 6 “ông lớn” trong số 150 nhà mạng, vì họ nắm tới gần 90% thị trường âm nhạc trực tuyến). Để đạt được thỏa thuận này, khó khăn lớn nhất vẫn là việc các bên cùng đồng lòng ngồi lại bàn bạc thống nhất ngày thực hiện.

Nói về việc này, ông Phùng Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc MVCorp, cho biết: “Nhằm hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền, đã đến lúc các websites và dịch vụ âm nhạc trực tuyến trên di động cần đồng loạt thu phí download nhạc. Trong vai trò đơn vị cung cấp bản quyền âm nhạc lớn nhất hiện nay, MVCorp mong muốn cùng các bên liên quan xây dựng những dịch vụ âm nhạc tốt hơn, người tiêu dùng nhận được nguồn âm nhạc phong phú, chất lượng, đầy đủ bản quyền, góp phần tái đầu tư cho nền âm nhạc Việt Nam”.

Thói quen nghe và tải nhạc miễn phí đã “ăn sâu” vào suy nghĩ của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam, sẽ phải thay đổi kể từ ngày 1-11 tới đây. Khi các nhà mạng có ý thức bảo vệ bản quyền, chính họ cũng được lợi và có thêm nguồn thu nhập từ dịch vụ tải nhạc.

Hiện nay, trong “kho” của MVCorp đã có 42.000 bài hát và họ vẫn tiếp tục vận động các ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất chưa gia nhập RIAV, tham gia. Tuy nhiên theo ông Phùng Tiến Công, phải mất 3, 4 năm nữa, mọi việc mới có thể ổn định và đi vào quy củ.

Thông tư liên tịch số 07 ngày 19-6-2012 của Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch về quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng internet và mạng viễn thông; sẽ là cơ sở pháp lý để chấn chỉnh, hạn chế tình trạng đưa nhạc tràn lan lên mạng và tải nhạc “chùa”.

Tập tôn trọng bản quyền 

Ngay sau khi thông tin về việc sẽ thu phí tải nhạc trực tuyến từ ngày 1-11-2012. Thế giới mạng đã sôi lên sùng sục với đủ loại tranh luận trái chiều nhau. Người chống cho rằng chuyện thu phí này chỉ mang tính hình thức vì có đến hàng ngàn cách khác nhau để lách luật. Ngược lại, những người ủng hộ thì cho rằng với giá 1.000 đồng/bài hát là hợp lý. Đó là chưa kể việc trả tiền bản quyền đang là một xu thế tất yếu, Chính phủ Mỹ đã từng xóa sổ trang web Megaupload vì vấn đề bản quyền và trang web lưu dữ liệu được nhiều người Việt Nam sử dụng nhất là Mediafire cũng đã phải siết chặt quy định bản quyền để tránh bị truy cứu.

Một thành viên diễn đàn vozforum cảm khái: “Nhiều bạn suốt ngày than thở về các bất công xã hội, đến khi người ta thực hiện công bằng thì lại tìm mọi cách để phá”.

Tuy nhiên, hiện nay chất lượng nhạc số trên mạng phức tạp, chưa ổn. Nếu người mua trả tiền thì chất lượng âm thanh của các bài hát phải đảm bảo tốt.

NHƯ HOA - TƯỜNG VÂN

Tin cùng chuyên mục