Giai điệu Tự hào tháng 10: Vẽ Hà Nội bằng ký ức âm nhạc

Giai điệu Tự hào tháng 10: Vẽ Hà Nội bằng ký ức âm nhạc

(SGGPO).- Chọn cho mình một lối đi riêng, Giai điệu Tự hào số phát sóng tháng 10, tối 31-10 trên VTV1, sẽ không khắc họa Hà Nội trong các khúc tráng ca của những ngày tháng ác liệt mà mang tới hình ảnh về một Hà Nội hào hoa, lãng mạn, trữ tình và thường trực trong nỗi nhớ của những người con xa năm cửa ô yêu dấu.

Với người Hà Nội xa xứ hay ngay cả với những người đang sống – làm việc nơi đây mỗi khi phải xa Hà Nội lâu ngày, Thủ đô luôn là tình yêu và nỗi nhớ cồn cào. Nhớ những con phố bình yên, nhớ hương cốm vòng - mùi hoa sữa, nhớ mùa đông se sắt... và nhớ cả một thời đạn bom thiếu thốn. Hà Nội, không chỉ là tên gọi một thành phố, một Thủ đô. Chính vì thế, trong 64 tỉnh thành, chẳng có mảnh đất nào sở hữu nhiều ca khúc hay như Hà Nội và để lựa chọn ra các ca khúc tiêu biểu ngợi ca thủ đô – thật chẳng dễ dàng! Dù trong lửa đạn của những năm chống Pháp 1947 – “Sẽ về Thủ đô” hay ở kháng chiến chống Mỹ - “Người Hà Nội” và thập niên 80 – thời bao cấp khó khăn trong “Nhớ về Hà Nội”…, đất và người nơi đây lúc nào cũng đẹp trong tâm thức những người “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Được sáng tác năm 1947, khi nhạc sĩ Huy Du mới 21 tuổi, ca khúc “Sẽ về Thủ đô” là những hoài niệm tươi rói, niềm nhớ nhung những điều bình dị, thân thuộc của một người dù không phải là người Hà Nội gốc. “Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời – Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó”, chất ballade và marcia qua giọng ca trữ tình hàng đầu của NSƯT Quang Lý đủ sức mạnh mang bất cứ ai nghe ca khúc chìm đắm trong những cảm xúc tưởng cũ mà kỳ thực rất tinh khôi từ 60 năm về trước.

Được lựa chọn là ca khúc mở màn cho số phát sóng tháng 10 với chủ đề “Người Hà Nội”, ca khúc là lời gợi mở nhẹ nhàng đến miền ký ức thiêng liêng của mỗi người. Phần tranh luận của hai hội đồng Khách mời bình luận cũng sẽ giúp công chúng hiểu hơn về “cái buồn tiểu tư sản”, hình ảnh những người tiểu tư sản yêu nước, – dù đầu đội mũ phớt, mặc quần tây, áo sơ mi, tay cầm súng chiến đấu ở chiến khu…

Công chúng vẫn quen nghe “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi qua các giọng đơn hay cùng dàn hợp xướng, và cũng hẳn đã quá quen thuộc với cách dàn dựng hào hùng, dồn dập của những đoàn quân giải phóng. Chương trình có sự tham gia của: Quang Lý, Thanh Lam, Trần Thu Hà, Tùng Dương.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục