An cư bất chấp rủi ro? - Bài 3: “Lách luật” để làm nhà ba chung

An cư bất chấp rủi ro? - Bài 3: “Lách luật” để làm nhà ba chung

Nhằm làm rõ về những khu nhà ba chung đang hình thành tại các vùng ven của thành phố, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè - một địa phương xuất hiện nhiều tình trạng này, cho biết, đó là diện đồng sở hữu, do người mua nhà không đủ điều kiện để tách thửa đất. Vì theo quy định tại Quyết định 33/2014 của UBND TPHCM ban hành ngày 15-10-2014, tại khu vực huyện Nhà Bè, trường hợp xây dựng mới phải có diện tích tối thiểu 120m², đất có nhà hiện hữu phải là 80m², nhưng người có nhu cầu nhà ở lại không đủ điều kiện mua diện tích lớn nên chấp nhận hình thức đồng sở hữu, hai, ba người mua đất rồi cất nhà lên gọi là nhà ba chung.

Một dãy nhà ba chung tại hẻm 1465/44 Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Ảnh: Cao Minh

- Thưa ông, với những căn nhà trên dưới 30m² như vậy, có phải chăng đang hình thành những khu nhà ổ chuột mới nhưng có giấy phép xây dựng do huyện cấp?

Biểu tượng của nó là khu ổ chuột mới. Bởi quy định như vậy nên huyện có cản được đâu. Căn cứ theo tách thửa, giấy chủ quyền chung của họ vẫn đủ theo diện tích quy định. Mình không được can thiệp vào nội thất, kiến trúc của ngôi nhà, chỉ khống chế về mặt quy hoạch thôi, cụ thể là được xây dựng bao nhiêu trên diện tích khu đất, cùng một vài chỉ tiêu kiến trúc khác. Bởi đó là khu dân cư hiện hữu, mình chỉ mang tính chỉnh trang định hướng thôi. Còn với những khu dân cư xây dựng mới thì làm theo dự án, phê duyệt 1/500 rất bài bản, khang trang.

- Khi thực tế nhận thấy nhà ba chung giống như khu nhà ổ chuột thì huyện có đề xuất thành phố để khống chế, cải thiện vấn đề này hay không?

Tôi có báo với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, nhưng anh em trả lời miệng với tôi, quy định như thế, đó là quyền của người dân. Biết được vấn đề đó khá phức tạp, quyền lợi của người dân không bảo đảm, nhất là khi có tranh chấp xảy ra (ở huyện đã xảy ra một trường hợp phải kéo nhau ra tòa); nhưng trong Quyết định 33 cũng có những tiêu chí như giải quyết tranh chấp, quyết định của tòa án, còn thừa kế là tùy theo nhu cầu, nhưng diện tích tối thiểu là không dưới 25m². Mặc dù quy định như vậy sẽ khó khăn trong công tác quản lý, nhưng nếu mình can thiệp thì vi phạm pháp luật.

- Vậy trên địa bàn huyện Nhà Bè có bao nhiêu căn nhà ba chung?

Khá nhiều! Nhưng huyện chỉ nắm trên giấy phép, cụ thể cấp bao nhiêu, rồi qua thiết kế bản vẽ như vậy mình sẽ biết được bao nhiêu căn. Con số cụ thể sẽ nắm lại. Theo quy định của Luật Xây dựng, nếu khu đất 1.000m² thì khi xin chuyển mục đích từ đất nông nghiệp lên đất ở, đất xây dựng chỉ chiếm 40% - 50%. Chẳng hạn khi có 1.000m² đất nông nghiệp, chủ khu đất sẽ xin chuyển mục đích sử dụng toàn bộ diện tích, rồi vẽ xin tách ra 120m², hay 240m²… Họ làm vậy để né quy định của hạn mức xây dựng, tăng diện tích được xây dựng nhiều lên.

- Thưa ông, khu dân cư mới còn có quy định cốt nền, các quy chuẩn xây dựng khác, còn cách làm nhà ba chung không theo quy định nào?

NBC nằm trong khu dân cư hiện hữu, nên chỉ phù hợp với hạ tầng hiện hữu thôi. Có hai trường hợp, nếu người dân tự làm, cá nhân nhỏ lẻ, sẽ tận dụng hạ tầng hiện có; nên trong giấy phép cấp là xem xét có đường, điện, nước hay chưa. Còn công trình làm phân lô để bán, khi chuyển mục đích có hình thành hạ tầng, phải xin phép huyện cho và có nghiệm thu để quản lý.

- Vậy trường hợp khu nhà ba chung tại hẻm 1491 Lê Văn Lương bị ngập trong triều cường thì sao, thưa ông?

Khu dân cư tại hẻm 1491 Lê Văn Lương (xã Nhơn Đức) là khu đất trũng, đường chính từ cầu Long Kiển kéo dài đến đường Nguyễn Bình, nước ngập cỡ một bánh xe, khoảng 0,7m. Những đợt thủy triều cao, ngập dữ lắm. Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 đang có kế hoạch nâng cao đoạn đường này.

NGUYỄN KHOA - LƯƠNG THIỆN

- An cư bất chấp rủi ro: Nhà ba không

Tin cùng chuyên mục