(SGGPO).- Hôm nay, 22-10, khoảng 150 bé gái ở huyện Satara thuộc bang Maharashtra, phía Tây Ấn Độ có tên khai sinh Nakusa (nghĩa là “vô tích sự” theo ngôn ngữ Marathi) sẽ được chính quyền địa phương đặt cho tên mới. Đó là một trong các hoạt động của chiến dịch chống lại định kiến với nữ giới dẫn tới sự mất cân bằng giới tính rất lớn ở quốc gia này.
Theo Bhagwan Pawar, nhân viên y tế huyện Satara, kiêm điều hành chương trình chống phân biệt đối xử với các bé gái ở địa phương này cho biết “Địa phương có 222 em mang tên Nakusa. Lý do bị đặt tên này vì các em là con thứ hai, thứ ba hay thứ tư trong gia đình mà các ông bố bà mẹ lại muốn có con trai”.
Các bé gái, đặc biệt ở các vùng nông thôn nghèo của Ấn Độ thường bị xem như gánh nặng về tài chính cho gia đình họ bởi khi lấy chồng bố mẹ phải cho của hồi môn. Ngược lại, các bé trai được xem như người thừa kế, người kiếm ra tiền trong tương lai và là trụ cột trong gia đình.
Cũng theo Bhagwan Pawar, nhiều bé gái tỏ mặc cảm với tên khai sinh Nakusa của mình, do đó đã tác động xấu đến tâm lý các em. Thế nên, từ hôm nay, tất cả hồ sơ đi học và các loại giấy tờ chính thức khác của các em sẽ được đổi tên mới.
Do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ở Ấn Độ đã dẫn tới sự gia tăng nạo phá các bào thai nữ và làm mất cân bằng giới tính. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y tế The Lancet, hơn nửa triệu bào thai nữ bị nạo bỏ mỗi năm ở Ấn Độ. Chỉ trong tháng 4 năm nay, 15 bào thai nữ đã được tìm thấy tại một bãi rác ở thành phố Patna. Tại Satara, cách Mumbai khoảng 190km, tỷ lệ giới tính là 881 nữ/ 1.000 nam, dưới mức trung bình ở vùng nông thôn là 919 nữ/1.000 nam. Trong khi đó, thống kê trên toàn Ấn Độ tỷ lệ giới tính là 914 nữ/ 1.000 nam, thấp nhất kể từ khi nước này giành độc lập năm 1947 và dưới mức chuẩn toàn cầu là 952 nữ/ 1.000 nam. Theo các chuyên gia dân số, tự nhiên cung cấp một tiêu chuẩn sinh học cho tỷ lệ giới tính vào khoảng 943 đến 962 nữ/ 1.000 nam. Vì thế, sự chênh lệch đáng kể tỷ lệ này chỉ có thể giải thích bởi yếu tố bất thường. |
Đăng Hưng