(SGGPO). Ấn Độ sẽ cấm người nước ngoài khai thác phụ nữ nước này mang thai hộ, khi ngành công nghiệp đẻ thuê đang bùng nổ ở đây.
Theo Times of India, ngày 28-10, Tòa án Tối cao Ấn Độ mở phiên điều trần về kiến nghị đòi chấm dứt nhập khẩu phôi người với mục đích thương mại và ra lệnh chính phủ giải trình các biện pháp quản lý ngành công nghiệp đẻ thuê. Tại phiên điều trần, chính phủ cho biết "không hỗ trợ mang thai hộ thương mại", "không người nước ngoài nào có thể khai thác dịch vụ đẻ thuê ở Ấn Độ", "đẻ thuê sẽ chỉ dành cho các cặp vợ chồng Ấn Độ", "chính phủ sẽ có quyết định nghiêm cấm và trừng phạt dịch vụ đẻ thuê".
Những năm gần đây, các cặp vợ chồng không có con ở nhiều nước đổ đến Ấn Độ do việc mang thai hộ ở nước này là hợp pháp, chi phí thấp và đơn giản. Ước tính quy mô công nghiệp đẻ thuê Ấn Độ là 9 tỷ rupee (138 triệu USD) và tăng 20%/năm. Tuy nhiên, việc thiếu quy định pháp luật về mang thai hộ đã tạo kẽ hở cho người nước ngoài lợi dụng "thuê bụng" những phụ nữ Ấn Độ nghèo khổ và còn trẻ.
Các bà mẹ mang thai hộ chờ ngày sinh nở tại Trung tâm Thụ tinh ống nghiệm Akanksha tại Anand, thị trấn nhỏ ở Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: REUTERS
Đẻ thuê bị cấm ở một số nước châu Âu và được quy định nghiêm ngặt tại Mỹ. Nhưng Ấn Độ, với dịch vụ mang thai hộ chi phí thấp, bác sĩ có tay nghề cao và nguồn cung phụ nữ mang thai hộ ổn định, là một trong số ít quốc gia mà phụ nữ có thể cho "thuê bụng" để nhận tiền công. Quá trình này liên quan thụ tinh ống nghiệm và cấy phôi, đưa tới sự gia tăng các trung tâm dịch vụ sinh sản ở Ấn Độ. Chi phí đẻ thuê ở Ấn Độ vào khoảng 18.000-30.000 USD/ca (chỉ gần bằng 1/3 chi phí ở Mỹ), trong đó người mang thai hộ nhận được khoảng 8.000 USD.
Theo quy định hiện hành của Ấn Độ, một cặp vợ chồng người nước ngoài muốn có một thỏa thuận dịch vụ mang thai hộ phải là "đàn ông và phụ nữ kết hôn hợp lệ và việc kết hôn phải được duy trì ít nhất 2 năm". Năm 2012, Ấn Độ đã ban hành thêm quy định cấm các cặp đồng tính người nước ngoài và người độc thân sử dụng dịch vụ mang thai hộ.
GIA HY