Ngày 2-4, mạng tin Express News Service dẫn lời Chủ tịch Ủy ban tình báo Ấn Độ RN Ravi cho biết, các tổ chức khủng bố Lashkar-e-Toiba (LeT) và Jaish-e-Mohammed (JeM) đã lên kế hoạch tấn công các lợi ích của Ấn Độ.
Chuyện Ấn Độ nằm trong tầm ngắm của các nhóm khủng bố không còn là bất ngờ. Nhưng hầu hết các cuộc tấn công liên tục xảy ra gần đây vào các lợi ích của Ấn Độ đều được lực lượng an ninh phản ứng kịp thời, không để lại hậu quả nghiêm trọng, như tại Quốc hội, lãnh sự quán Ấn Độ ở Afghanistan...
Vai trò chống khủng bố của Ấn Độ đang ngày càng nổi lên, từ kỹ năng chống khủng bố của lực lượng an ninh trong nước đến những giải pháp căn cơ, chiến lược lâu dài. Tại các diễn đàn lớn gần đây, Thủ tướng Narenda Mori đã thu hút sự chú ý của dư luận trong việc đề cao đến việc phải khẩn cấp xóa sổ các nguồn hỗ trợ tài chính của bọn khủng bố. Từ phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc hồi tháng 9 đến Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Malaysia hồi tháng 11 năm ngoái, ông luôn nhấn mạnh: “Chống việc sử dụng khủng bố như một công cụ của chính sách nhà nước”.
Thực tế cho thấy, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể mọc ở nhiều nước, từ Đông sang Tây, nhưng đến hôm nay, Ấn Độ vẫn khẳng định quốc gia này không phải là “đất lành” của IS. Tờ The Indian Express ngày 28-12-2015 từng dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajanth Singh khẳng định, trong khi tất cả các nước đang phải đối mặt với các mối đe dọa của IS, thì Ấn Độ là nước duy nhất mà người Hồi giáo ngăn cản các thanh, thiếu niên gia nhập IS. Tổ chức này không thể thống trị ở Ấn Độ do các “giá trị sống” và “giá trị gia đình” của Ấn Độ.
Vai trò của Ấn Độ còn được được đánh giá cao trong bối cảnh khủng bố liên tục xảy ra nhiều nơi. Chính Ấn Độ đã đứng ra tổ chức Diễn đàn Hồi giáo phái Sufi thế giới (World Sufi Forum) đầu tiên ở trung tâm thủ đô New Delhi vào ngày 17-3 vừa qua. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu Ấn Độ và quốc tế đến từ hơn 20 nước, cùng các chức sắc tôn giáo, các học giả và các nhà hoạt động xã hội, nhằm tìm ra cách thức đối phó với các ý thức hệ cực đoan Hồi giáo.
Cũng trong những tháng gần đây, Ấn Độ đã tích cực tham gia các cuộc tập trận nâng cao năng lực và kỹ năng chống khủng bố với hàng loạt các nước như với Nepal, Trung Quốc.., đặc biệt là cuộc tập trận chung chống khủng bố với Pháp kéo dài 8 ngày được tiến hành theo sự Ủy nhiệm của Liên hiệp quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 30-3, các thành viên có uy tín trong Nghị viện châu Âu (EC) tuyên bố, Thủ tướng Modi có thể là “đồng minh lớn” của Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống khủng bố và EU nên can dự tích cực hơn trong vấn đề này, trong bối cảnh New Delhi có kinh nghiệm trực tiếp trong xử lý các nhóm khủng bố xuất phát từ các nước láng giềng.
Theo đó, EU có thể học hỏi rất nhiều kinh nghiệm của Ấn Độ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Các nghị sĩ trên còn cho rằng, EU nên cùng với các nhà quyết sách của Ấn Độ do Thủ tướng Modi đứng đầu, tham gia vào một cuộc đối thoại chủ động, tập trung vào những lợi ích chung, trong đó có an ninh hàng hải, khủng bố, không gian và an ninh mạng.
HẠNH CHI