Từ những hộ nông dân canh tác rau màu nhỏ lẻ, có khi trúng có khi thất, khó khăn đầu ra…, Hội Nông dân huyện Chợ Mới (An Giang) đã vận động bà con xây dựng các tổ liên kết sản xuất rau dưa ở các vùng chuyên canh nhằm giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cao. Trong đó, tổ sản xuất rau an toàn ở xã Kiến An với 130 thành viên và 5 tổ hợp tác sản xuất là một điển hình.
Thời điểm này, nông dân trong tổ sản xuất rau dưa an toàn xã Kiến An đang tất bật trong việc chăm sóc rau màu. Được xem là vùng chuyên canh màu lớn nhất tỉnh, nông dân xã Kiến An đã tận dụng ưu thế của vùng đất cù lao giàu phù sa để trồng xen canh một số rau màu đạt hiệu quả kinh tế cao so với lúa, như: hành, hẹ, ớt, gừng, rau dưa các loại…
Anh Trần Văn Hồng, nông dân ấp Long Hạ (xã Kiến An), đang tích cực chăm sóc những luống hành, hẹ rộng đến 11 công (11.000m²). Nhờ nắm bắt thông tin thị trường, được tham gia các lớp tập huấn do Hội nông dân huyện Chợ Mới và xã Kiến An tổ chức, anh Hồng đã áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn từ nhiều năm nay để đưa ra thị trường sản phẩm rau sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Diện tích rau màu này đang phát triển tốt và hứa hẹn sẽ cho một vụ mùa bội thu.
Bên cạnh đó, anh còn trồng thử nghiệm gừng non để tìm hướng đi mới cho mô hình sản xuất của mình. Còn anh Nguyễn Văn Chạy, một thành viên tổ sản xuất rau an toàn ấp Long Hạ đang canh tác 4 công đất rẫy. Trong đó, anh trồng 2 công bắp, 1,5 công ớt, diện tích còn lại anh sạ rau muống và mồng tơi theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Anh Chạy cho biết, anh vừa thu về hơn 12 triệu đồng từ 1,5 công ớt, còn diện tích ớt cũng sắp cho thu hoạch.
Qua nhiều năm hoạt động bền bỉ với mô hình mới, thương hiệu “Rau an toàn Kiến An” đã dần tạo được uy tín trên thị trường và được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Mặc dù công đoạn rửa, sục ôzôn, cân và đóng gói sản phẩm rau vẫn thủ công, nhưng những ý tưởng đột phá của tổ là giai đoạn khởi đầu để thương hiệu “Rau an toàn Kiến An” vươn xa hơn và đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Anh Huỳnh Thanh Trung, Tổ phó Tổ sản xuất rau dưa xã Kiến An, cho biết, đến nay, sản phẩm rau an toàn Kiến An đã có mặt tại nhiều nhà hàng, quán ăn nổi tiếng trên địa bàn thành phố Long Xuyên, một số tỉnh, thành lân cận như Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long…
Sản phẩm “Rau an toàn Kiến An” còn được Công ty ECOPO Phú Quốc hợp đồng cung cấp cho các nhà hàng ở đảo du lịch Phú Quốc (Kiên Giang), có mặt ở METRO Long Xuyên, Siêu thị Co.opMart Long Xuyên, xuất khẩu sang Campuchia qua cửa khẩu Khánh Bình. Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu với số lượng lớn cho nhà máy rau quả đông lạnh An Giang (Antesco) để xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ và Canada.
| |
Kết quả đạt được từ mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Kiến An là niềm hãnh diện của nông dân vốn “một nắng hai sương” trên đồng ruộng, cố gắng đưa ra thị trường những sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Mới, khẳng định: “Nhờ sự cần cù, siêng năng, cộng với ý chí vươn lên làm giàu của các nông dân thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn nên huyện Chợ Mới ngày càng có thêm nhiều nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Mong rằng, sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhất là hệ thống siêu thị sẽ hợp tác liên kết giới thiệu sản phẩm rau an toàn Kiến An đến người tiêu dùng để người dân vùng màu có thị trường tiêu thụ ổn định và yên tâm sản xuất”.
NGỌC BÍCH