An ninh lương thực bấp bênh trong đại dịch Covid-19

Theo báo cáo thường niên về an ninh lương thực và dinh dưỡng của Liên hiệp quốc (LHQ) vừa công bố, mức độ đói nghèo và suy dinh dưỡng trên thế giới đã trở nên tồi tệ hơn trong năm 2020 với phần lớn mức tăng chủ yếu do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tình nguyện viên Lost Food Project phân loại thực phẩm tươi sống trước khi gửi các đối tác từ thiện
Tình nguyện viên Lost Food Project phân loại thực phẩm tươi sống trước khi gửi các đối tác từ thiện

Mất hàng thập niên khắc phục

Báo cáo cho biết, số người thiếu ăn trên thế giới trong năm 2020 đã tăng 18% so với năm 2019, lên khoảng 768 triệu người. Đây là mức tăng mạnh nhất trong hàng thập niên qua. Trong đó, có 418 triệu người ở châu Á, 282 triệu người ở châu Phi và 60 triệu người ở Mỹ Latinh và vùng Caribe. Tại châu Phi, 21% người dân bị thiếu ăn, cao hơn gấp đôi so với bất kỳ khu vực nào khác. Trong khi đó, số người không thể tiếp cận đầy đủ lương thực trong năm 2020 đã tăng 320 triệu người, lên 2,37 tỷ người. Mức tăng này tương đương với mức tăng của 5 năm trước cộng lại.

Theo báo cáo, suy giảm kinh tế do hậu quả của các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 gây ra trên toàn cầu đã góp phần làm gia tăng số người thiếu ăn trên thế giới trong năm 2020. Báo cáo nêu rõ: “Không may, đại dịch tiếp tục phơi bày những điểm yếu trong hệ thống lương thực của chúng ta, đe dọa tới đời sống và kế sinh nhai. Không khu vực nào trên thế giới thoát khỏi tình trạng này”. Báo cáo dự báo, với xu hướng hiện nay, các nước sẽ bỏ lỡ mục tiêu phát triển bền vững của LHQ là không còn người thiếu ăn vào năm 2030. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của WFP Arif Husain nhận định, sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí là hàng thập niên để đảo ngược tình trạng này.

Bắt đầu từ những dự án nhỏ nhất

Theo báo cáo, tình trạng mất an ninh lương thực hiện đang trên đà gia tăng kể từ giữa những năm 2010, nhất là ở những nước chịu tác động của xung đột, khí hậu cực đoan, suy thoái kinh tế hay đang bất bình đẳng gia tăng. Theo ước tính của LHQ, trên thế giới có gần 1/3 tổng số lương thực bị lãng phí, trong khi 820 triệu người bị đói.

Để khắc phục phần nào tình trạng này, tại nhiều nước đã xuất hiện nhiều mô hình xã hội hoạt động hiệu quả. Ví dụ tại châu Á, mô hình Lost Food Project (Dự án Thực phẩm bị mất) được đặc biệt chú ý, đang minh chứng cho một ý tưởng nhỏ nhưng tác động lớn, mang lại niềm hy vọng và nguồn dinh dưỡng cho người nghèo.

Lost Food Project hoạt động với phương châm “cứu người đói, không để thức ăn trở thành bãi rác” và nở rộ vào đầu năm nay khi Malaysia bước vào giai đoạn cuối của làn sóng thứ 3 của đại dịch Covid-19. Theo Suzanne Mooney, người sáng lập dự án, ở Malaysia ước tính có 3.000 tấn thực phẩm ăn được bị vứt bỏ mỗi ngày, đủ để cung cấp 10 triệu bữa ăn mỗi năm. Chương trình hiện đã “giải cứu” khoảng 10 tấn thực phẩm lẽ ra bị vứt đi mỗi tuần. Thực phẩm chủ yếu là rau, trái cây, hàng tạp hóa, hộp thực phẩm thừa từ các siêu thị và nhà sản xuất xung quanh thủ đô Kuala Lumpur. Họ sẽ đóng gói lại và chuyển đến những đối tượng, thường là người dân địa phương nghèo khổ và người tị nạn dễ bị tổn thương khác. Đến nay, Lost Food Project đã phát triển thành một trong những ngân hàng thực phẩm lớn nhất Malaysia, phục vụ trung bình 33.000 bữa ăn mỗi tuần, hồi tháng 2 đã tăng lên 290.000 bữa ăn.

Theo báo Nikkei, ngoài giảm bớt tác động đến môi trường, dự án cho thấy chỉ bằng cách sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có có thể nuôi sống những thành viên yếu nhất và nghèo nhất của một xã hội đang phát triển. Đây cũng là bài học quan trọng đối với các nước châu Á đang phát triển trong việc giải quyết tình trạng nghèo dinh dưỡng ở người nghèo, người già và người tàn tật, thậm chí cho cả những người chuộng ăn thức ăn nhanh, rẻ và no nhưng lại thiếu dinh dưỡng.

Trong tương lai, các cơ quan của LHQ cho rằng, những hội nghị thượng đỉnh của LHQ sắp diễn ra gồm Hội nghị thượng đỉnh hệ thống lương thực của LHQ, Hội nghị thượng đỉnh dinh dưỡng cho tăng trưởng của LHQ và Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) sẽ là cơ hội để giải quyết tình trạng thiếu ăn và suy dinh dưỡng trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục