An ninh lương thực là an ninh quốc gia

Theo một bài viết trên trang mạng của Hội đồng Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), an ninh lương thực là vấn đề lớn được quay trở lại trong “thực đơn” của chương trình nghị sự toàn cầu. Trong đó, Nga - quốc gia đóng vai trò quan trọng trên thị trường lương thực toàn cầu và là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất, đang phát triển cách tiếp cận của riêng mình.
Chi tiêu cho thực phẩm chiếm vị trí hàng đầu trong cơ cấu tiêu dùng của người dân Nga. Ảnh: BBC
Chi tiêu cho thực phẩm chiếm vị trí hàng đầu trong cơ cấu tiêu dùng của người dân Nga. Ảnh: BBC

Hai thách thức vĩ mô

Cho tới nay, có thể thấy rõ cộng đồng quốc tế đang ngày càng rời xa mục tiêu xóa đói, và an ninh lương thực đang trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển của thế giới. 

Đối với Nga, an ninh lương thực là một phần của khái niệm an ninh quốc gia. Ý tưởng về an ninh lương thực được thể hiện ngầm trong Chiến lược an ninh quốc gia của Liên bang Nga năm 2021, cụ thể là trong các lợi ích quốc gia (phát triển bền vững nền kinh tế Nga trên nền tảng công nghệ mới, bảo vệ môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu) và các ưu tiên chiến lược quốc gia (an ninh kinh tế, an ninh môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, phát triển khoa học và công nghệ).

Tuy nhiên, trong việc xây dựng an ninh lương thực, Nga phải đối mặt với 2 thách thức vĩ mô. Thứ nhất về môi trường (suy thoái và suy giảm độ phì nhiêu của đất, các cú sốc khí hậu và biến cố địa chất, tính dễ tổn thương của nông nghiệp trước biến đổi khí hậu). Thứ hai về an ninh tài nguyên (thiếu nhân lực có trình độ, phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu, trình độ phát triển cơ giới hóa và công nghệ còn thấp, tỷ trọng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và con giống cao).

Bên cạnh đó là các cú sốc kinh tế và lạm phát làm tăng chi tiêu lương thực của người dân, vốn đã tăng nhanh hơn thu nhập thực tế. Chi tiêu cho thực phẩm chiếm vị trí hàng đầu trong cơ cấu tiêu dùng của người dân Nga. Từ năm 2014-2020, giá lương thực tăng 51,7% trong khi thu nhập bình quân đầu người tăng 34,3%. 

“Vũ khí thầm lặng”

Theo ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, lương thực, thực phẩm là “vũ khí thầm lặng” của Nga vì xuất khẩu nông sản của Nga đã vượt qua xuất khẩu vũ khí. Nga đang chuyển từ việc đáp ứng nhu cầu trong nước sang tăng cường xuất khẩu nông sản. Đây là một trong những mục tiêu của chính sách quốc gia. Hiện nay, Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới với 16%, trong khi Ukraine là 10%. Hai nước này cũng chiếm khoảng một nửa thị trường xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu.

Các khu vực nhập khẩu ngũ cốc và các loại đậu của Nga cũng rất đa dạng. Năm 2020, Nga đã xuất ngũ cốc sang 138 nước. Thị trường tiêu dùng truyền thống là các nước Trung Đông, và trong những năm gần đây, ngũ cốc từ Nga đã được cung cấp nhiều hơn cho châu Phi. Khách hàng tiêu thụ ngũ cốc chính của Nga năm 2020 là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã mua khoảng 11,3 triệu tấn ngũ cốc.  

Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, cơ hội xuất khẩu lương thực của Nga còn bị hạn chế bởi các yếu tố vận tải và logistics (năng lực hạn chế, mạng lưới giao thông kém phát triển). Hầu hết (82%) lượng ngũ cốc xuất khẩu của Nga đi qua các cảng của lưu vực Azov - Biển Đen, khoảng 1/3 trong số đó qua cảng của TP Novorossiysk. Theo dự kiến, cảng ngũ cốc Viễn Đông sẽ được xây dựng và trở thành trung tâm phân phối cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Trong thời kỳ hậu hiện đại và trong bối cảnh đại dịch khiến con người lo ngại về cuộc sống của mình và ưu tiên sức khỏe, những thách thức và đe dọa truyền thống vẫn không mất đi. Một trong những thách thức đó chính là an ninh lương thực, cũng được coi như một bộ phận cấu thành an ninh quốc gia.

Tin cùng chuyên mục