Án oan và lỗ hổng nhân tâm

Cho dù những cơn bão chồng bão đang dồn dập tiến vào nhiều nơi trên đất nước ta, vẫn không làm yếu đi cơn “bão” dư luận về một vụ án oan điển hình liên quan đến thân phận người đàn ông 52 tuổi Nguyễn Thanh Chấn, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Khó ai có thể tin rằng một vụ án “giết người” do hiếp dâm không thành, mà theo như lời luật sư bào chữa, “không có nhân chứng, chứng cứ lỏng lẻo”, nhưng cả hệ thống điều tra xét xử ở địa phương vẫn có thể vẽ lên một kịch bản đầy logic, sinh động như thật để bắt nghiến và khép tội “Giết người” một người đàn ông 42 tuổi với mức án chung thân (lẽ ra là tử hình nhưng vì ông Chấn có bố là liệt sĩ nên được giảm hình phạt), nhờ vào sự bức cung - như theo lời khai của nạn nhân. Khó ai có thể tin rằng, ngay từ khi nạn nhân bị bắt và kết án, ông đều một mực kêu oan; vợ con, gia đình làm đơn cầu cứu ròng rã khắp nơi hơn 10 năm trời, nhưng những tiếng kêu ấy không hiểu sao vẫn rơi vào vô vọng. Các phiên tòa sơ thẩm rồi phúc thẩm vẫn diễn ra.

Kết quả vẫn chẳng có gì đổi khác. Người đàn ông với dáng vẻ hiền lành chân chất vào vòng tù tội, gia đình nghèo mà ông là trụ cột không chỉ thêm cùng quẫn, tan nát mà còn bị ô danh bởi những điều tiếng dư luận. Thậm chí, theo như lời ông kể, có những lần vì quá uất ức và tủi nhục, ông đã toan tự tử, may mà có người phát hiện.

Thế nhưng những điều khó tin ấy lại đang dần hiện hình rõ rệt, trở thành sự thật làm rúng động toàn thể xã hội, khi kẻ thủ ác thực sự - Lý Nguyễn Chung, người cùng xã với ông Nguyễn Thanh Chấn - sau 10 năm day dứt lương tâm, đã ra đầu thú. Hàng loạt câu hỏi “vì sao” được đặt ra. Tất nhiên, sự thật cuối cùng về nỗi oan khuất của ông Nguyễn Thanh Chấn rồi sẽ được phơi bày khi cuộc điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ngày 4-11 hoàn tất. Song, những nội dung thể hiện trong cáo trạng để khép tội ông cũng như tình tiết qua lời kể của những người trong cuộc, khiến tất cả những ai có lương tri và trách nhiệm không khỏi xót xa, bức xúc. Trong lúc lời kể của nạn nhân về sự bức cung đến tàn nhẫn của điều tra viên cùng những hình ảnh thương tâm của gia đình nạn nhân về nỗi oan ức được truyền đi cả nước khiến không ai có thể cầm lòng, thì những người tham gia quá trình điều tra, xét xử vụ án oan này vẫn điềm nhiên lạnh lùng, vô cảm, thậm chí vô trách nhiệm đến không ngờ. Người cán bộ được vinh hạnh làm “người đầy tớ trung thành của nhân dân” như vị thẩm phán và chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án oan này, vẫn phát biểu một cách vô cảm và vô trách nhiệm rằng lỗi do... Quốc hội, do người khác, cấp khác chứ không phải do mình.

Theo như lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, “không có nền tư pháp nào chính xác 100%”. Đó là sự thật. Thế nhưng, nhìn lại lịch sử tố tụng ở Việt Nam, người ta nhận ra rằng những vụ án oan đã ngày càng trở nên phổ biến, xảy ra ở hầu hết các địa phương và lọt qua hầu khắp các khâu điều tra xét xử. Vì sao như vậy? Đối với nạn nhân, trừ khi bị ép cung, bức cung hoặc là kẻ tâm thần hoặc tự nguyện nhận tội để đổi lấy lợi ích nào đó lớn hơn tội trạng mà mình phải lãnh, còn những người bình thường sẽ chẳng có ai ngu dại khi không phạm tội mà lại nhận tội vào mình, nhất là tội nặng. Trong khi đó, nhìn vào vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn cũng như hàng loạt vụ án oan sai khác, có thể thấy rằng, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề chính là ở chỗ đã không có sự đảm bảo minh bạch, công bằng, độc lập trong suốt quá trình điều tra xét xử. Chính vì lỗ hổng này mà quá trình điều tra cũng như xét xử mới dễ dàng bỏ qua nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung” và “suy đoán theo hướng vô tội”, tạo điều kiện cho tình trạng ép cung, bức cung nạn nhân xảy ra, từ đó dẫn đến xét xử oan sai.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan hữu quan phải có trách nhiệm làm rõ để minh oan, đền bù thiệt hại và khôi phục quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn, đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm minh những người phạm tội và những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan sai đối với ông Chấn. Và chiều hôm qua 6-11, Hội đồng tái thẩm TAND tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND tối cao, tuyên hủy bản án phúc thẩm đã tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn tù chung thân về tội giết người. Nỗi oan của ông bước đầu đã được giải. Do đó, để lập lại sự nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và để lấy lại lòng tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp, người dân đòi hỏi, cùng với việc đẩy mạnh hơn nữa quá trình cải cách tư pháp, vụ án oan này phải được điều tra, xét xử một cách toàn diện, triệt để như một vụ án điểm. Chỉ khi những người đã cố tình ép cung, bức cung; những người đã tham gia vào việc làm oan sai nạn nhân trong suốt quá trình tố tụng, được điều tra làm rõ và xét xử công bằng, nghiêm minh trước pháp luật, mới có thể góp phần đem lại niềm tin thực sự của nhân dân.

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục