An sinh khu vực nông thôn

Những năm qua, các tỉnh thành ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực để xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động nói chung và khu vực nông thôn nói riêng. Nông thôn ĐBSCL đang có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thu hút nhiều lao động như: nuôi thủy sản, chế biến gạo, tôm cá, trái cây xuất khẩu, may gia dụng, trồng trọt, chăn nuôi và hình thành các làng nghề giải quyết lao động nông nhàn…

Năm 2010, Chính phủ đã triển khai chương trình 1 triệu lao động nông thôn gắn với giải quyết công ăn việc làm cho nông dân. Các địa phương đang triển khai chương trình này như mở các lớp đào tạo nghề, thu hút lao động và những người không ruộng đất, không nghề nghiệp vào học. Chương trình đã tạo được kết quả bước đầu, hàng chục ngàn lao động được tuyển vào các doanh nghiệp nông thôn… Ở Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang có 80% - 85% lao động sau khi học nghề đã tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay và có thu nhập ổn định.

Nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL đang phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Mỗi năm khu vực này sản xuất ra 20 triệu tấn lúa, trong đó có 12 triệu tấn lúa hàng hóa; xuất khẩu 5,2 tỷ USD thủy sản, 471 triệu USD trái cây và hàng trăm sản phẩm nông nghiệp khác. Việc xây dựng nông thôn mới trên đà phát triển mạnh với hàng vạn cầu đường trải nhựa, bê tông, lót đan rợp bóng cây xanh; nhà ngói, trường học, trạm y tế, chợ… mọc lên như nấm. 80% hộ dân có phương tiện nghe nhìn, phục vụ sinh hoạt gia đình... Trên 80% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Dù vậy thời gian qua, nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL vẫn chưa được đầu tư, phát triển còn hạn chế so với các vùng miền khác như: đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Đông Nam bộ. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng này vẫn còn khá cao. Số lượng người thất nghiệp, không ruộng đất ra các đô thị kiếm việc làm không ít. Do không có trình độ, nghề nghiệp, họ chỉ làm những việc giản đơn; rất nhiều chị em phụ nữ sa ngã vào các ngành dịch vụ không lành mạnh để kiếm sống.
 
Mục tiêu cao nhất trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Hướng nông thôn đến sản xuất hiệu quả, chất lượng cao để bảo đảm an sinh xã hội phải là một việc làm thường xuyên, liên tục.

Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa lặp đi lặp lại là bài học đắt giá trong sản xuất nông nghiệp; đòi hỏi phải có những cải cách trong việc phân vùng trồng trọt, áp dụng khoa học kỹ thuật, hướng dẫn canh tác và thu mua sản phẩm. Để chương trình 1 triệu lao động nông thôn của Chính phủ mang lại hiệu quả thiết thực, các địa phương ĐBSCL cần tiếp tục triển khai, mở rộng quy mô các trường dạy nghề; đa dạng các loại hình và hình thức đào tạo, tạo cho lao động nông nghiệp chọn nghề phù hợp với trình độ, sở thích và gia cảnh của họ.

Ngoài việc các địa phương tự lực và liên kết với nhau, rất cần Nhà nước đầu tư hơn nữa cho công tác thủy lợi, cải tạo đất đai, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào đồng ruộng; xây dựng nông thôn mới, vệ sinh môi trường, đảm bảo cuộc sống văn minh hiện đại; xóa dần khoảng cách giữa thành thị - nông thôn… Đó chính là biểu hiện cụ thể trong việc triển khai chính sách an sinh của nhà nước đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn nước ta.

LÊ BÌNH

Tin cùng chuyên mục