Ăn tết an toàn

Tránh ổ vi khuẩn trong tủ lạnh

Ngày tết, việc đảm bảo an toàn sức khỏe luôn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, vấn đề an toàn về dinh dưỡng, đề phòng bệnh và xử trí những sự cố sức khỏe được các chuyên gia y tế khuyến cáo.

Tránh ổ vi khuẩn trong tủ lạnh

Tâm lý của mọi người là “no ba ngày tết” nên hầu như dự trữ thực phẩm rất nhiều. Ngoài những dụng cụ dự trữ thủ công thì tủ lạnh được phát huy hết công suất, luôn trong trạng thái quá tải. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, thức ăn tết thường được chế biến và dự trữ để ăn nhiều ngày nên rất dễ bị ôi thiu, lên mốc. Thực phẩm sau khi mua về cần làm sạch và bảo quản đúng cách, như thịt cá tươi sống cần được bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Với rau, nếu muốn bảo quản được lâu, sau khi bỏ lá rau sâu, lá dập, cắt bỏ phần rễ, rửa sạch cho vào bao xốp cột kín rồi để ở ngăn mát tủ lạnh. Trái cây cũng làm như rau. Đối với thức ăn nấu chín, cần để nguội hẳn, đậy kín rồi mới cất vào tủ lạnh.

Khi để nhiều thức ăn trong tủ lạnh, cần chỉnh lại nhiệt độ (tăng độ lạnh). Bên cạnh đó, thói quen để nguyên đĩa, bát đựng thức ăn thừa không đậy nắp cho vào tủ lạnh bảo quản sẽ dễ làm tủ lạnh bị ô nhiễm. Thức ăn sống và chín để lẫn lộn khiến vi khuẩn từ các đồ ăn tươi sống chưa được làm sạch lây nhiễm vào các đồ ăn chín khác có trong tủ lạnh. Điều này có thể khiến người sử dụng bị rối loạn tiêu hóa, nhiễm độc khi mang đồ ăn chín này ra ăn mà không đun nấu lại. Bên cạnh đó, thói quen đi chợ mua trứng gà, vịt về vẫn còn bám dính vết bẩn từ chuồng nuôi; rau quả chứa hóa chất từ lượng phân bón dư cho tới thuốc trừ sâu; thịt, cá chứa vi khuẩn gây nhiều loại dịch bệnh khác nhau... cứ xếp vào tủ, không cho vào từng túi nylon hay hộp chứa riêng sẽ khiến cho tủ lạnh thành ổ chứa vi trùng và dịch bệnh.

Kết hợp món ăn đúng cách

Vui chơi ngày tết nên không tránh khỏi bữa thì quá no, quá dư dả, bữa lại bỏ ăn. Chế độ ăn không cân bằng như vậy sẽ gây ra một số bệnh lý, nhất là ở trẻ em và người già - những đối tượng kém khả năng thích nghi với những thay đổi của môi trường sống. Những sai lầm đó là quá nhiều chất bột đường trong một bữa ăn với những món trùng lắp. Ví dụ, ăn bánh chưng nhưng vẫn thêm cơm hay bún, miến, như vậy quá dư tinh bột, dễ làm lên cân quá mức. Quá nhiều dầu mỡ do nhiều món chiên xào cùng lúc. Quá nhiều chất đạm vì vừa có thịt heo, thịt bò, thịt gà, giò chả lại vừa có thêm hải sản. Quá nhiều muối do những món dưa muối mặn, thực phẩm chế biến sẵn (thường có nhiều muối cũng như bột ngọt), không có lợi cho sức khỏe…

Để khắc phục tình trạng trên, cần chọn món ăn vừa phải, xoay vòng để thưởng thức nhiều món, không dư năng lượng mà lại thấy ngon miệng. Hạn chế chiên xào và thực phẩm chế biến sẵn. Nên tăng phần thủy hải sản thay vì thịt đơn thuần vì ít gây tăng cholesterol, máu và mỡ của thủy hải sản dễ hấp thu cũng như có lợi cho sức khỏe hơn.

Chú ý dinh dưỡng trẻ sơ sinh

Đối với bé còn bú mẹ thì sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính, không bị ảnh hưởng đến các loại thức ăn ngày tết. Do đó, để đảm bảo đủ lượng sữa cho con, mẹ cần ăn đúng bữa và đủ chất dinh dưỡng. Các thức ăn ngày tết thường nhiều đạm, tẩm ướp gia vị và hương liệu, nên mẹ ăn vào có thể khiến mùi vị sữa thay đổi. Đối với các bé đã dùng thức ăn như người lớn, có thể tham gia những bữa tiệc tết của gia đình. Tuy vậy, bố mẹ vẫn luôn phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của con. Những món thường gặp trong ngày tết là giò chả, bánh chưng, mứt, nước ngọt... Đây là các món chứa nhiều mỡ, có độ ngọt, chất béo cao. Những thứ giàu năng lượng này rất dễ gây béo phì cho trẻ, nhất là với bé phàm ăn. Có thể nấu súp, bún hoặc miến để bé dễ tiêu hóa. Ngoài việc cố gắng giữ đúng giờ cho những bữa ăn chính vào buổi sáng, trưa và tối, bố mẹ có thể mang theo một ít bánh flan, sữa hộp, sữa chua... để cho bé ăn giữa cuộc dạo chơi, thăm hỏi.

Có bệnh lý, nên ăn dè chừng

Rượu, bia và thức ăn thừa đạm, chất béo, ngọt khiến không ít người bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí bị tiêu chảy nặng, ngộ độc. Đặc biệt, đối với những người đang mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp…, cần cẩn trọng và tuân thủ khẩu phần ăn thường ngày. Ở người thừa cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý dạ dày có tăng tiết dịch vị… không nên dùng nhiều bánh chưng, bánh tét. Mặt khác, cần cân đối khẩu phần từ thịt, nhất là những người có một bệnh lý nền như thừa cân, cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, nên hạn chế ăn thịt đông, giò, chả…

Những người có bệnh lý nên ăn 100g thịt mỗi ngày là đủ. Các loại thức ăn khô như tôm khô, lạp xưởng, vịt muối, khô bò, khô cá cũng thường được dùng trong dịp tết, đều khá mặn hoặc quá béo nên cũng không tốt cho những người cần kiêng muối và kiêng mỡ. Đối với những người bị bệnh tiểu đường, việc có chế độ ăn hợp lý bình thường mỗi ngày là rất cần thiết. Mấy ngày tết cũng không nên vì vui vẻ mà quên mất điều đó, nên tránh các loại thực phẩm như mứt, mật ong, nước mía, chuối, bánh quy ngọt, bánh mì trắng, bánh bột gạo trắng, các loại bánh ngọt…

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục