Mấy ngày gần đây, báo chí đã lên tiếng việc có đơn vị đăng ký bán hàng bình ổn giá nhưng nói một đường làm một nẻo.
Được biết, hiện có một số mặt hàng như gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng và rau củ… thuộc diện bình ổn giá do nhà nước quy định. Trước mùa tựu trường, UBND TPHCM có hỗ trợ để các doanh nghiệp mở rộng bán hàng bình ổn giá đối với sách vở, dụng cụ học sinh. Thế nhưng, một số cửa hàng kinh doanh mắt kính thời trang, laptop… trên địa bàn TPHCM cũng ăn theo chương trình bình ổn này, tự phong cho mình là điểm bán hàng bình ổn rồi vô tư chặt, chém.
Rõ ràng với những mặt hàng không thuộc nhóm hàng bình ổn giá mà doanh nghiệp tự nguyện tham gia bán giá bình ổn thì ắt sẽ được ủng hộ nhưng điều đáng nói ở đây là các mặt hàng tự rao là bình ổn giá này lại có giá ngang, thậm chí còn cao hơn giá thị trường.
Cách đây vài ngày, theo chân khách hàng H.T. (ngụ tại hẻm 96, đường Tô Hiến Thành, quận 10) chúng tôi ghé qua cửa hàng của Công ty T.T.T trên đường Đồng Nai (quận 10) mới biết giá của cửa hàng được rao là bình ổn giá lại có giá không ổn chút nào. Khác với những gì tấm băng rôn treo bên ngoài “điểm bán hàng bình ổn laptop”, hỏi đến dòng máy nào cũng hết hàng.
Công ty này chỉ còn dòng Asus, nhưng giá chiếc Asus U35JC RX041 được rao lên đến 16,78 triệu đồng (cao hơn 700.000 - 800.000 đồng/chiếc so với máy tính bày bán tại một công ty máy tính khác). “Đây là giá ưu đãi của chúng tôi bán cho khách. Thực chất chương trình bình ổn giá của công ty vừa mới hết”, nhân viên bán hàng cho biết. Nhưng khi chúng tôi thắc mắc là tấm băng rôn không ghi thời hạn áp dụng chương trình, chủ cửa hàng tại đây chỉ cười, không giải thích được.
Không chỉ một vài điểm tự phát rao bán hàng bình ổn mà hiện có rất nhiều điểm bán hàng trên địa bàn các quận 6,7,8… cũng tự treo băng rôn “điểm bán hàng bình ổn thị trường”. Nơi nào khách mua đông, xét thấy có lời, băng rôn sẽ được treo lâu dài mà không cần ghi thời hạn. Ngược lại, nơi nào không có lời, có nguy cơ bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”, chủ các cửa hàng sẽ tự động dỡ bỏ sớm.
Trên lý thuyết, nếu càng nhiều người tự nguyện tham gia bán hàng bình ổn giá, người tiêu dùng càng có lợi, được xã hội hoan nghênh. Thế nhưng, trên thực tế hầu hết các chủ cửa hàng chỉ lợi dụng khái niệm bình ổn giá để lừa dối khách hàng. Vì không nắm rõ các điểm bán hàng bình ổn nên người tiêu dùng phải chịu hậu quả mua phải hàng giá cao ở những cửa hàng tự phong là bán hàng bình ổn. Liệu các cơ quan chức năng có biết chính sách bình ổn bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng ăn theo để lừa dối, bán giá cao cho khách hàng? Khi nào tình trạng trên mới bị dẹp bỏ, đặc biệt khi mùa mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán đã rục rịch khởi động?
THI HỒNG