An toàn đường sắt: Không thể lơ là

Những tháng đầu năm 2012, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, làm nhiều người thiệt mạng. Nguyên nhân chính, do ý thức người dân xem thường Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt nhiều địa phương lơ là trong công tác quản lý, nhất là những đường ngang tự phát.
An toàn đường sắt: Không thể lơ là

Những tháng đầu năm 2012, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, làm nhiều người thiệt mạng. Nguyên nhân chính, do ý thức người dân xem thường Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt nhiều địa phương lơ là trong công tác quản lý, nhất là những đường ngang tự phát.

  • Chủ quan với an toàn đường sắt

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, cho biết trong 4 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn TP có 1 người chết do tai nạn đường sắt. Các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên địa bàn TP phần lớn đều do sự thiếu ý thức của người dân. Cụ thể, trong năm 2011 đã xảy ra 4 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 4 người, trong đó 2 vụ do người dân tự ý băng qua đường sắt. Không chỉ có vụ việc trên đối với người đi bộ, tai nạn đường sắt còn xảy ra nghiêm trọng hơn đối với phương tiện vận tải.

Giao thông lộn xộn là một trong những nguyên nhân làm tăng tai nạn giao thông đường sắt.

Giao thông lộn xộn là một trong những nguyên nhân làm tăng tai nạn giao thông đường sắt.

Ngày 24-4, đoàn tàu khách SPT2 chạy tuyến Sài Gòn - Phan Thiết, khi đi đến khu vực ga Suối Vận, thuộc huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận đã bị xe benz băng ngang đường sắt đâm vào thân tàu. Hậu quả, 3 toa tàu đầu tiên bị đứt rời, trong đó có 2 toa bị lật, tài xế xe benz Mai Văn Trọng (31 tuổi) thiệt mạng tại chỗ. Riêng đầu tàu mất khả năng kiểm soát, tự chạy về ga Phan Thiết cách đó 20km. Vị trí xảy ra tai nạn ở nút giao giữa đường sắt và đường bộ, không có rào chắn.

 Riêng những vị trí đường ngang, tự phát băng qua đường sắt, Ban An toàn giao thông sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nhắc nhở những trường hợp sai phạm. Nếu ai cố tình không chấp hành sẽ đề nghị các cơ quan chức năng TP xử phạt Ông Nguyễn Ngọc Tường -  Phó ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM

Theo ghi nhận của PV, tại đường Kha Vạn Cân (đoạn gần ngã tư Bình Triệu) xuất hiện một đường ngang tự phát băng qua đường sắt. Dù hệ thống rào chắn khá kiên cố hai bên đường sắt nhưng vẫn có một số người dân cố tình băng qua. Đoạn này gần khu vực chợ, vì thế một số hộ dân sống gần hành lang đã tự ý leo rào qua đường sắt để tới chợ thay vì phải đi đường vòng xa hơn. Dù barie chắn tàu tại ngã tư Bình Triệu, quận Thủ Đức đã được đóng ngăn lại nhưng một số người tham gia giao thông vẫn cố tình vượt qua đường ray khi tàu gần đến.

Điều đáng chú ý, vẫn còn nhiều đoạn đường ngang giao cắt với đường sắt không có barie, thậm chí có đoạn không hàng rào chắn. Tại điểm giao cắt giữa đường sắt với đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) đúng lúc đoàn tàu lao tới, dù còi báo động réo vang từng hồi nhưng một số người vẫn liều mạng phóng xe băng qua. Dọc theo đường Nguyễn Kiệm, Trần Khắc Chân, Trần Hữu Trang… trong khi tàu hú còi lao tới nhưng vẫn có nhiều người ngang nhiên cố tình leo rào băng qua đường sắt, bất chấp nguy hiểm.

  • Siết chặt an toàn đường sắt

Theo Ban an toàn giao thông đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cùng với sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, công tác quản lý an toàn đường sắt của một số địa phương còn lỏng lẻo, việc xử lý vi phạm không nghiêm nên chưa đủ sức răn đe đối với người dân sinh sống trong khu vực có đường sắt đi qua. Ngoài ra, việc quản lý giữa các cơ quan chức năng còn chồng chéo và không gắn kết với nhau để ngăn chặn các hành vi vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Năm 2012, ngành đường sắt đặt mục tiêu giảm 10% tai nạn giao thông theo kế hoạch của UBND TP đưa ra. Để thực hiện được điều này, Ban An toàn giao thông TP phối hợp với ngành đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cùng chính quyền địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt người dân sống hai bên hành lang đường sắt, chấp hành nghiêm chỉnh quy định an toàn giao thông đường sắt khi tham gia giao thông.

UBND TPHCM đã yêu cầu Sở GTVT phối hợp nghiêm túc với các đơn vị để thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT trên địa bàn TP, như: yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra các vị trí đường ngang qua đường sắt, kiên quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép; lập kế hoạch và lộ trình cụ thể để xóa bỏ các đường ngang trái phép…

QUỐC HÙNG - LƯƠNG THIỆN

Trên địa bàn TPHCM hiện có 15km đường sắt chạy qua 5 quận. Trong đó, có tổng cộng 27 đường ngang với 19 đường có gác chắn và đèn tín hiệu; 7 đường có đèn cảnh báo tự động. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gần 3km đường sắt không có hàng rào chắn.

Tin cùng chuyên mục