Ước tính, tai nạn giao thông (TNGT) đang trở thành nguyên nhân lớn dẫn đến tử vong cho độ tuổi từ 15 - 29 tuổi trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, có khoảng 2.000 trẻ em bị TNGT mỗi năm. Thế nhưng, vấn đề an toan giao thông (ATGT) cho trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Đây là những thông tin đặt ra trong buổi đối thoại “Trẻ em với an toàn giao thông”, diễn ra ngày 9-5 vừa qua tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TPHCM). Hàng loạt câu hỏi của các em học sinh liên quan đến lĩnh vực ATGT được đặt ra cho các đại biểu tham dự đã làm “nóng” hội trường. Chương trình do Ban ATGT TPHCM phối hợp Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức nhằm hưởng ứng Tuần lễ An toàn đường bộ toàn cầu do Liên hiệp quốc phát động.
Mở đầu buổi đối thoại, phần thuyết trình của nhóm 3 em học sinh đoạt giải nhất dự án “Những tấm ảnh biết nói” về môi trường đi bộ xung quanh một nhóm trường học (Trường Tiểu học Long Bình, Trường Tiểu học Tạ Uyên và Trường Trung học Cơ sở Long Bình, quận 9, TPHCM) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, cho thấy vấn đề ATGT chưa được xã hội xem trọng.
Trong “Những tấm ảnh biết nói” lưu lại hình ảnh các bậc phụ huynh, người dân… vô tư tràn xuống lòng đường, thậm chí dựng xe giữa đường đón con trong giờ tan học. Bày tỏ thắc mắc và mong muốn được hỗ trợ thông tin về ATGT, các em học sinh đến từ 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã dành cho các đại biểu nhiều câu hỏi thú vị. Em Kim Thanh, học sinh Trường Trung học Cơ sở Tân Phú (quận 9), lo ngại, một số tuyến đường gần trường học trên địa bàn TP không có vỉa hè. Do vậy, học sinh đi bộ để sang đường gặp nhiều khó khăn.
Giải đáp các thắc mắc trên, ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) Sở GTVT TPHCM nói, nhìn chung các tuyến đường TP đều có vỉa hè, thế nhưng một số ít lại chưa được xây dựng vỉa hè kịp thời. Đây cũng là một trong những bất cập đang được Sở GTVT TP tích cực tháo gỡ. Đối với ý tưởng xây dựng đường dành riêng cho xe đạp tại TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung, không phải việc dễ thực hiện. Bởi vì, trong điều kiện thực tế, việc sắp xếp, bố trí cho các phương tiện giao thông khác nhau lưu thông an toàn trên đường đã khó, thì việc xây riêng các tuyến đường dành cho xe đạp càng khó hơn. Tại các nước phát triển, xe đạp thường lưu thông chung làn đường với người đi bộ.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban ATGT TPHCM gút lại buổi đối thoại và khẳng định, việc đảm bảo ATGT cho trẻ em nên được phụ huynh, nhà trường, xã hội quan tâm hơn nữa. Tránh tình trạng thờ ơ với sức khỏe, tính mạng con trẻ. Sau đợt cao điểm xử phạt đội nón bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên vào ngày 10-4 vừa qua, nhìn chung ý thức đội nón bảo hiểm cho trẻ em tại nhiều quận, huyện của TPHCM đã tốt hơn, có nơi đạt trên 98%. Thế nhưng, cũng có nơi đạt chưa tới 50%. Các em học sinh cũng nên chủ động trở thành những tuyên tuyền viên tích cực trong việc vận động chấp hành luật giao thông, ATGT...
GIA HÂN