Hoạt động của ngành Hàng không Việt Nam (HKVN) nói chung và của ngành quản lý bay nói riêng có tính đặc thù. Một trong những tính đặc thù đó là tính quốc tế hóa cao, phải hội nhập với hàng không dân dụng quốc tế để đảm bảo nền không vận - an toàn - điều hòa - hiệu quả.
Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngành Quản lý bay dân dụng Việt Nam (QLBDDVN) đã tham gia và thực hiện phân công, hợp tác quốc tế trong việc cung cấp các dịch vụ điều hành bay cho hãng hàng không quốc tế bay đến và bay qua Việt Nam.
Sự hội nhập đó được nâng cao một bước khi Việt Nam mở đường bay quá cảnh A1 từ Băng Cốc đi Hồng Công và ngược lại vào năm 1978; hội nhập hoàn toàn với cộng đồng Hàng không Dân dụng quốc tế về không vận vào ngày 8-12-1994 khi Việt Nam được tiếp nhận, quản lý, điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay TP Hồ Chí Minh (FIR/HCM).
![]() |
Các kiểm soát viên không lưu đang làm việc tại AACC/HCM mới. |
Trung tâm QLBDDVN là đơn vị đầu tiên hội nhập đồng thời tham gia phân công và hợp tác quốc tế về không vận. Đến nay, Trung tâm đang quản lý 1 Trung tâm Kiểm soát đường dài, 3 Trung tâm Kiểm soát tiếp cận, 20 đài chỉ huy tại sân, tổ chức cung cấp dịch vụ điều hành bay trên 27 đường bay quốc tế, 21 đường bay quốc nội với gần 100 hãng hàng không bay đến và bay qua Việt Nam.
Ngoài ra, Trung tâm còn có các dịch vụ quản lý không lưu, viễn thông hàng không, khí tượng hàng không, không báo, tìm kiếm - cứu nạn hàng không. Các dịch vụ này ngày càng được hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn khuyến cáo thực hành của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO).
Trong thời kỳ đổi mới, Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng, sẵn sàng chuẩn bị hội nhập như: đảm bảo cung cấp các dịch vụ bay chất lượng cao trên 2 vùng thông báo bay FIR/HAN và FIR/HCM, xử lý thành công sự cố máy tính Y2K; phối hợp với các nước trong khu vực thiết lập và đưa vào hệ thống đường bay mới trên Biển Đông và mở đường bay mới từ Băng Cốc đi Hồng Công và ngược lại; thực hiện thành công giảm phân cách cao trên các đường bay trong nước và quốc tế mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hoạt động hàng không; xây dựng Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài - tiếp cận (AACC/HCM) có công nghệ hiện đại bậc nhất trong khu vực; từng bước ứng dụng công nghệ quản lý không lưu (CNS/ATM) mới theo đúng khuyến cáo của ICAO.
Ông Nguyễn Tiến Sâm - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết: Mục tiêu của HKVN từ nay đến năm 2010 là lọt vào tốp 5 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, HKVN đang chủ động hội nhập quốc tế theo lộ trình tuần tự Tiểu vùng CLMV đến ASEAN, APEC và WTO, giảm dần sự bảo hộ và can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào quá trình cạnh tranh của các DN vận chuyển HKVN trên trường quốc tế...
Trung tâm QTBDDVN là một trong ba bộ phận cấu thành quan trọng của HKVN không thể tách rời khỏi tiến trình phát triển chung đó, đã và đang tập trung các nguồn lực và vốn để chủ động đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, đào tạo có chiều sâu nguồn nhân lực để luôn đáp ứng nhu cầu đảm bảo chỉ huy - điều hành bay an toàn tuyệt đối trong vùng trách nhiệm do Việt Nam kiểm soát.
Để thực hiện mục tiêu trên, từ năm 2000 đến nay, Trung tâm đã tiến hành đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài tại thành phố mang tên Bác. Đây là dự án có quy mô lớn và công nghệ hiện đại nhất mà Trung tâm QLBDDVN thực hiện từ trước đến nay, nhằm “đi tắt, đón đầu” về phát triển khoa học công nghệ hàng không trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Xuân Hiển - Tổng Giám đốc Trung tâm QLBDDVN, dự án này sau khi hoàn thành (dự kiến tháng 3 năm 2006) sẽ trang bị cho Trung tâm QLBDDVN một hệ thống quản lý điều hành bay hoàn toàn tự động, hiện đại hơn so với một số nước trong khu vực. Hệ thống quản lý không lưu tự động (ATM) mới là hệ thống chủ chốt trong số các trang thiết bị được đầu tư tại AACC/HCM.
Thiết bị này là tổ hợp của nhiều hệ thống xử lý (xử lý dữ liệu rada và dữ liệu bay; liên lạc không - địa bằng dữ liệu; cảnh báo và báo động...), không chỉ phục vụ cho công tác kiểm soát không lưu đường dài - tiếp cận và tại sân một cách đồng bộ và hiệu quả nhất mà còn phục vụ cho việc quản lý luồng, quản lý vùng trời 24/24h trong ngày, 365 ngày/năm đối với tất cả các hoạt động bay trong vùng thông báo bay và dự phòng cho vùng thông báo bay Hà Nội.
Từ hệ thống ATM mới sẽ nhanh chóng cung cấp thông tin chính xác 100% cho các kiểm soát viên không lưu từ lúc máy bay lăn bánh rời đường băng đến lúc ra khỏi vùng thông báo bay. Để phục vụ cho hệ thống CNS/ATM mới, hiện nay 100% đội ngũ cán bộ kỹ thuật và kiểm soát viên không lưu tại TTQLB miền Nam (đơn vị thành viên của Trung tâm QLBDDVN - chủ thể trực tiếp điều hành AACC/HCM) đều được huấn luyện - đào tạo chuyên sâu, sẵn sàng vận hành, khai thác tốt các trang thiết bị mới, hiện đại tại AACC/HCM.
Trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1993 đến nay) Trung tâm QLBDDVN đã điều hành bay an toàn cho hơn 2 triệu chuyến bay (trong đó có hàng chục ngàn chuyến bay chuyên cơ) bay đi, đến và bay qua Việt Nam, tổng doanh thu đạt gần 10 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 ngàn tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng 8% - 12%/năm.
Ngoài ra, Trung tâm QLBDDVN còn phối hợp với các cơ quan quốc phòng có liên quan giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia, đóng góp cho sự phát triển của ngành HKVN. Ghi nhận những thành tích của Trung tâm trong thời gian qua, Nhà nước đã phong tặng Trung tâm QLBDDVN các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho tập thể và nguyên Tổng Giám đốc Trần Xuân Mùi cùng nhiều Huân chương Lao động, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho CBCNV của trung tâm.
Lương Bích Ngọc
Các tin, bài viết khác
-
Thành lập Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai TP Thủ Đức
-
Quảng Ngãi: Trồng hoa tết trong lòng thành phố
-
Ngư dân Hà Tĩnh trúng mẻ cá chim vây vàng khoảng 600 triệu đồng
-
Diện mạo tươi sáng của nền kinh tế sau 35 năm đổi mới
-
Năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18%
-
Năm 2020: Việt Nam xuất siêu gần 20 tỷ USD
-
Đầu tư mạnh vào kinh doanh sáng tạo
-
Nắng lên, nông dân tranh thủ xuống đồng
-
Nhiều kỳ vọng cho ngành thép
-
Bình Dương: Có thêm quỹ hỗ trợ khởi nghiệp 1 triệu USD