Ngày 24-7 vừa qua, Báo SGGP đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tăng thị phần hàng Việt - Cách nào?”. Đây là diễn đàn để bạn đọc Báo SGGP và các vị khách mời cùng nhìn lại kết quả 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng bày tỏ quan điểm, trăn trở trước chỗ đứng, vị thế của hàng Việt và sự phát triển doanh nghiệp Việt. Không dừng lại ở đó, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ sự quan tâm về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nên là người tiêu dùng thông minh
Là một công chức nhà nước, bạn đọc Thiên Lương, quận Tân Bình, TPHCM thẳng thắn: “Điều quan tâm nhất của tôi hiện nay là an toàn vệ sinh thực phẩm, tôi thật sự lúng túng vì không biết nên ăn gì, uống gì, mua hàng ở đâu để được an toàn, vì ngay tại một số siêu thị lớn cũng xảy ra rất nhiều vụ việc liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm. Các cơ quan quản lý nhà nước đã làm gì trước thực trạng này và hãy chỉ cho tôi những địa chỉ tin cậy khi mua hàng hóa? Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, ATTP là vấn đề được Đảng, Nhà nước và xã hội rất quan tâm.
Riêng tại TPHCM, thời gian qua đã có rất nhiều chủ trương, chính sách nhằm thực hiện và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm sạch đảm bảo ATTP nhằm phục tốt cho nhu cầu người tiêu dùng. Mặt khác, TP cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên lĩnh vực ATTP. Song song đó, TP cũng đẩy mạnh các công tác tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm thương hiệu đạt chuẩn VietGAP, HACCP đến người tiêu dùng, thông qua các phương tiện thông tin truyền thông.
Gần đây, TP đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hệ thống phân phối về việc nhận diện hàng gian, hàng giả, từng bước đẩy lùi việc kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, các sở, ngành TP đang tích cực triển khai xây dựng chuỗi ATTP, thí điểm xây dựng mô hình chợ ATTP tại chợ Bến Thành, chợ đầu mối Hóc Môn. Dự án đang vào giai đoạn hoàn chỉnh và triển khai đến các tiểu thương. Dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành và sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm nhằm triển khai rộng rãi mô hình này cho các chợ truyền thống trên địa bàn TP.
Để mua hàng đảm bảo chất lượng, ATTP, người tiêu dùng nên mua hàng thực phẩm tươi sống tại các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi. Trong trường hợp mua hàng ở chợ, nên chọn lựa những quầy hàng đã được kiểm định, tránh chọn mua thực phẩm tươi sống ở các chợ tự phát, vỉa hè không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi mua những hàng hóa khác, người tiêu dùng cần chọn lựa những hàng hóa có bao bì nhãn mác, xuất xứ hàng hóa và hạn sử dụng rõ ràng theo quy định. Nói cách khác, trong bối cảnh hiện nay, mỗi khách hàng cần phải là người tiêu dùng thông minh mới có thể hướng thị trường đến việc kinh doanh các sản phẩm chất lượng, đảm bảo ATTP.
Cam kết chất lượng và ATTP
Đặt câu hỏi với ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, bạn đọc Hải Ninh (haininh@yahoo.com) cho biết, trong bối cảnh người tiêu dùng đang rất lo lắng về mức độ an toàn của nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến, hàng hóa của Vissan có thật sự đảm bảo ATTP chất lượng hay không? Theo ông Văn Đức Mười, ATTP bảo đảm dinh dưỡng để phát triển sức khỏe con người hiện đang được mọi người trong cộng đồng xã hội quan tâm.
Vì thế, việc hướng tới sử dụng sản phẩm có truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chuỗi giá trị kinh tế và đảm bảo yêu cầu ATTP được Vissan xem là tiêu chí hàng đầu trong tiếp cận thị trường cũng như thực hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng xã hội. Để thực hiện được mục tiêu này, hiện Vissan đã đầu tư cụm công nghiệp riêng biệt bao gồm vùng chăn nuôi nguyên liệu (kể cả con giống và thức ăn gia súc), bao gồm: 6 nhà máy các loại sản phẩm, trong đó có cả hệ thống kênh phân phối trên toàn quốc để kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa ngành thực phẩm vào năm 2020.
Là một khách hàng quen thuộc của Co.opmart, bạn đọc Hà Nguyễn (ha.nguyen@thienthanh.com) bày tỏ sự quan tâm đặc biệt cho đơn vị này trước sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại. Hà Nguyễn đặt câu hỏi: Co.opmart sẽ làm gì để cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh thị trường bán lẻ đã mở cửa hoàn toàn. Bên cạnh đó, Co.opmart có những cam kết gì về chất lượng hàng hóa? Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng Giám đốc Saigon Co.op, Giám đốc chuỗi siêu thị Co.opmart cho biết, Co.opmart cam kết luôn tận tâm phục vụ khách hàng, không ngừng nỗ lực cải tiến để mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, chất lượng hàng hóa là một trong những yếu tố quan tâm hàng đầu của Co.opmart, do vậy tất cả hàng hóa trước khi được bày bán đều phải trải qua các khâu kiểm tra nghiêm ngặt bởi các chuyên viên được đào tạo chuyên nghiệp, các thiết bị hỗ trợ chuyên dùng, cùng sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất và sự an toàn cao nhất khi cung cấp cho người tiêu dùng.
Để phát triển bền vững, xứng đáng với niềm tin yêu của khách hàng, người tiêu dùng, Co.opmart tiếp tục phát triển nhanh mạng lưới siêu thị Co.opmart, cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co.op Food, các mô hình kinh doanh mới như đại siêu thị Co.op Xtra, Trung tâm thương mại Sense city, kênh mua sắm qua truyền hình HTV Co.op để tạo sự tiện lợi khi mua sắm, đáp ứng tối đa nhu cầu ngày càng đa dạng và đưa hàng Việt đến gần với người tiêu dùng hơn.
Tạo điều kiện cho hàng Việt vào siêu thị
Bạn đọc Nguyễn Hải (quận 7) bày tỏ sự quan tâm đến vụ ký kết giữa Vissan và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai về dự án phát triển chăn nuôi và giết mổ bò, đồng thời đưa ra câu hỏi: Vissan có kỳ vọng gì từ dự án này? Liệu các sản phẩm bò thịt có được đưa vào bình ổn thị trường? Ông Văn Đức Mười khẳng định, bình ổn thị trường được xem là mục tiêu hàng đầu của Vissan. Đối với sản phẩm thịt bò, tuy không nằm trong danh mục bình ổn nhưng chất lượng thịt và giá cả là vấn đề được Vissan đặc biệt quan tâm. Với sản lượng tổng đàn của bò của Việt Nam chỉ có 6 triệu con, không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nên Vissan liên kết với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhằm tận dụng lợi thế nguyên liệu của tập đoàn này để phát triển đàn bò cho thịt có chất lượng, được chăn nuôi đúng quy trình công nghệ. “Tôi kỳ vọng chất lượng thịt được sản xuất cũng như giá cả của nó sẽ làm cho thị trường ổn định, đảm bảo ATTP” - ông Mười nói.
Không chỉ quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm, buổi giao lưu còn có sự tham gia của các DN quan tâm đến sự hợp tác với các đơn vị tham gia giao lưu. Bạn đọc Trần Thanh (quận Tân Phú) cho biết, có 5ha đất tại tỉnh Đồng Nai, dự định làm trang trại nuôi heo. Liệu Vissan có ký kết hợp đồng với nông dân để bao tiêu sản phẩm chăn nuôi hay không, các điều kiện để có thể trở thành đối tác cung cấp nguồn heo nuôi cho Vissan thế nào? Vissan có chính sách hỗ trợ gì cho đối tác? Cung cấp thông tin về vấn đề này, ông Văn Đức Mười cho biết, hiện Vissan đã ký biên bản ghi nhớ cùng với tỉnh Đồng Nai về tiêu thụ sản lượng thịt heo trên địa bàn của tỉnh theo những quy ước về chăn nuôi, kiểm soát thức ăn gia súc, dịch vụ thú y... Đó chính là quy cách của sản phẩm chăn nuôi. Điều bắt buộc của một đơn vị công nghiệp được thể hiện thông qua các hợp đồng mua nguyên liệu một cách cụ thể. Theo ông Văn Đức Mười, ngành chăn nuôi hiện nay cũng được nhà nước khuyến khích bằng những chính sách rất cụ thể. Từ đó, ông Văn Đức Mười cũng đề nghị ông Trần Thanh liên hệ với Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai để biết thêm chi tiết.
Tại buổi giao lưu, một DN ngành thực phẩm công nghệ phản ánh: mặc dù Saigon Co.op là một trong những hệ thống siêu thị có nhiều chính sách ưu ái cho DN trong nước, dành nhiều tâm huyết cho hàng Việt nhưng trên thực tế, để đưa hàng hóa vào siêu thị là điều không dễ dàng, vì ngoài chủ trương, chính sách của ban giám đốc còn phụ thuộc vào cá nhân của người làm việc trực tiếp với DN. Trong trường hợp nhân viên gây khó dễ với DN thì Saigon Co.op sẽ có biện pháp gì hay không? Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Nhân khẳng định, Saigon Co.op luôn dành sự ưu tiên cho hàng Việt Nam trong hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, tất cả các mặt hàng được lựa chọn vào kinh doanh trong hệ thống siêu thị Co.opmart, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn, tiện lợi Co.op Food và các điểm bán lẻ của Saigon Co.op đều phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Theo ông Nhân, việc xét duyệt hàng hóa trong toàn hệ thống đều trên cơ sở đảm bảo tính khách quan, công bằng và thực chất. “Trong trường hợp có bất kỳ cá nhân nào gây khó dễ cho DN, chúng tôi sẽ xác minh rõ thông tin và nếu phát hiện có vi phạm các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức trong tiếp xúc với nhà cung cấp, chúng tôi sẽ nghiêm khắc xử lý theo quy định” - ông Nhân cam kết.
Ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam:
Cần cuộc điều tra xã hội học về hàng Việt
Sau 5 năm triển khai, Ban chỉ đạo Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ NVNƯTDHVN) TPHCM đã có 2 đợt khảo sát thăm dò dư luận xã hội năm 2012 và 2014. Mục đích cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu mức độ chuyển biến trong nhận thức, hành động của DN, tiểu thương, người tiêu dùng; những mặt tích cực, hạn chế, thuận lợi, khó khăn khi DN, đơn vị, tiểu thương tham gia việc triển khai CVĐ trên thực tế; các giải pháp nhằm thực hiện cuộc vận động có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Kết quả khảo sát năm 2014 cho thấy, so với trước thì nay đã có sự chuyển biến tích cực. Có 65,37% số người được hỏi cho rằng nhận thức của cán bộ Đảng viên và nhân dân về ý nghĩa tầm quan trọng của việc thực hiện CVĐ đã được nâng lên (số liệu 2012 là 44,97%); chất lượng mẫu mã hàng Việt Nam đã được 69% người được hỏi xác định có nhiều cải thiện đáng kể (năm 2012 là 61,93%). Đặc biệt đến nay, đã có 96% các tầng lớp nhân dân quan tâm và rất quan tâm đến cuộc vận động, 73,43% người dân khẳng định hàng Việt Nam là ưu tiên chọn lựa hàng đầu. Nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được ưu chuộng đã tăng cao gồm nông sản, rau quả (76,46%); sản phẩm dệt may (74,58%); thực phẩm (74,08%); sản phẩm da giày (64,35%); đồ gia dụng (58,29%). Kết quả này đã phản ánh đúng thực tế sự chuyển biến của CVĐ. Tuy nhiên, TPHCM cần có cuộc điều tra xã hội học với nhiều nội dung, phạm vi đối tượng mở rộng, quy mô lớn hơn nữa, có sự tham gia của các ngành chuyên môn để có kết quả tốt hơn.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM:
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Nhiều năm qua, TPHCM đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đột phá nhằm hỗ trợ cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hàng hóa sản xuất trong nước thông qua các kênh truyền thông, các hệ thống chính trị nhằm quảng bá rộng rãi các sản phẩm, những thương hiệu đạt chất lượng cao đến người tiêu dùng; Gắn CVĐ NVNƯTDHVN với Chương trình bình ổn thị trường TP, từ đó hỗ trợ cho các DN đầu tư sản xuất, kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Song song đó, TP đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn, lãi suất, mặt bằng, hỗ trợ chương trình kích cầu nhằm giúp cho DN khắc phục khó khăn. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tổ chức các cuộc hội chợ, triển lãm, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tăng cường kết nối đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; Tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu nhằm hỗ trợ các DN sản xuất hàng hóa trong nước phát triển. Triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm khuyến khích DN trong nước đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến bao bì mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm với giá cả phù hợp, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng.
Tôi tin rằng, nếu các DN tận dụng tốt các chủ trương, chính sách này, chắc chắn hàng hóa làm ra sẽ tìm được chỗ đứng, DN sẽ phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng Giám đốc Saigon Co.op:
Tạo sự phong phú bằng nhãn hàng riêng
Hầu hết các nhà bán lẻ trên thế giới đều phát triển hàng nhãn riêng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và tạo nét đặc trưng riêng có cho hệ thống phân phối của mình. Qua thực tế phát triển của hàng nhãn riêng trên toàn thế giới cho thấy rằng việc phát triển hàng nhãn riêng chỉ là sự bổ sung thêm hàng hóa, tạo sự đa dạng, phong phú về chủng loại cho nhà bán lẻ và bên cạnh đó nhà bán lẻ cũng có những giải pháp để phát triển hàng hóa của các nhà sản xuất tại hệ thống của mình để cùng phát triển bền vững và đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Xét ở góc độ chung, hàng nhãn riêng mang lại những lợi ích sau: Về phía người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, tiết kiệm hơn khi đi mua sắm do hàng nhãn riêng luôn có giá tốt hơn sản phẩm cùng loại nhờ tiết kiệm được các chi phí trung gian. Về phía các DN sản xuất sẽ có cơ hội tối đa hóa quy mô sản xuất, giảm giá thành sản phẩm nhờ lợi thế về quy mô, gia tăng thị phần trên thị trường và giới thiệu nhiều sản phẩm đến người tiêu dùng.
Ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty Vissan:
Bồi đắp nhiều hơn cho thương hiệu Vissan
CVĐ NVNƯTDHVN là một điểm nhấn để luôn nhắc nhở chúng tôi hãy sản xuất tốt, giữ niềm tin với người tiêu dùng Việt. Trong thực tế, quản lý sản xuất kinh doanh, Vissan luôn hướng tới người tiêu dùng và coi đó là một nhiệm vụ bắt buộc cho phát triển bền vững của mình. Sau 5 năm thực hiện CVĐ, Vissan đã tổ chức gần 200 chuyến hàng về nông thôn, vùng sâu vùng xa, mở rộng và tái cấu trúc kênh phân phối cung cấp cho toàn bộ các siêu thị trên toàn quốc, hơn 100 các cửa hàng tiện dụng tại TPHCM, 10 cửa hàng tại Đà Nẵng, 10 cửa hàng tại Hà Nội. Tính đến nay, hàng hóa của Vissan được bày bán tại 300.000 điểm bán hàng trên toàn quốc (thông qua 100 nhà phân phối) nhằm thực hiện nhiệm vụ quan trọng là bình ổn thị trường trong thực phẩm chế biến và tươi sống. Doanh số cũng như lợi nhuận đã tăng bình quân hàng năm hơn 10%, nếu năm 2009 mới chỉ đạt 3.000 tỷ đồng thì nay tăng lên gần 6.000 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân tăng 10%/năm. Ngoài ra, Vissan còn thực hiện các chương trình từ thiện, ủng hộ các chương trình hỗ trợ chiến sĩ Trường Sa, bình quân mỗi năm 2 tỷ đồng. Những con số nói trên, chính là tấm lòng của người tiêu dùng Việt Nam với sản phẩm Việt Nam, ở đó 95% sản lượng hàng hóa Vissan là phục vụ cho nội địa.
Chính CVĐ NVNƯTDHVN đã tạo niềm tin của người Việt vào sản phẩm Việt, từ đó bồi đắp nhiều hơn cho thương hiệu Vissan.
THÚY HẢI - HẠNH NHUNG (ghi)