An toàn vệ sinh thực phẩm

An toàn vệ sinh thực phẩm là mong muốn của mọi người, mọi gia đình trong suốt cả năm, nhưng đặc biệt được chú ý trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Bình thường, mỗi ngày trên cả nước tiêu thụ hàng ngàn tấn thực phẩm tươi sống cũng như các loại thực phẩm chế biến. Song những ngày tết, số lượng ấy sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Một phần do nhu cầu sử dụng tăng cao, một phần do tâm lý người dân thích “đủ đầy” trong những ngày nghỉ tết. Do đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm những ngày tết lại cần được kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện nay, hệ thống siêu thị đã phát triển rộng khắp, nhất là ở các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội. Do đó, việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ở những hệ thống này được tuân thủ tốt. Tuy nhiên, với hơn 70% thực phẩm vẫn được mua bán thông qua những chợ truyền thống - sẽ là nguồn thực phẩm lớn, khó kiểm soát an toàn trong những ngày tết cổ truyền.

Thực tế, nhiều hộ kinh doanh muốn sản phẩm của họ đảm bảo chất lượng, tươi sống, để giữ uy tín với người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng có một số người cố ý hoặc không có kinh nghiệm bảo quản thực phẩm đã tìm mọi cách che mắt và bán các sản phẩm bị hư hỏng, thiu thối cho người tiêu dùng. Điều này đã gây nên những vụ ngộ độc, có thể dẫn đến bệnh tật, thậm chí gây chết người, đối với những gia đình hoặc cho các bếp ăn tập thể tiêu thụ các sản phẩm kém chất l­ượng. Tệ hại hơn nữa, một số chủ hàng còn tẩm những hóa chất độc hại vào gia súc, gia cầm để nhìn bắt mắt nhưng rất nguy hiểm cho người sử dụng.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ trọn niềm vui cho mọi người, mọi nhà trong những ngày tết cổ truyền, trước hết, những người buôn bán thực phẩm phải nâng cao trách nhiệm xã hội, kiên quyết không đưa ra thị trường những thực phẩm kém chất lượng; bảo quản thực phẩm đúng cách trước khi chuyển đến tay người tiêu thụ. Các siêu thị đặc biệt chú ý bảo quản thực phẩm đúng quy trình, hợp vệ sinh.

Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là các ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các đoàn kiểm tra liên ngành (quản lý thị trường, y tế, thương mại, chính quyền địa phương…) cần phải tăng tần suất kiểm tra trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí truy tố trước pháp luật những kẻ gây hậu quả nghiêm trọng, có tổ chức và kéo dài…

Vì sức khỏe của cộng đồng, vì an toàn tính mạng của nhân dân, từ người buôn bán đến các cơ quan chức năng hãy nêu cao trách nhiệm và làm đúng chức năng của mình để đảm bảo cho nhân dân đón tết yên vui, an toàn, lành mạnh.

PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục