Sau Thái Lan và Singapore thì thời gian gần đây, lãnh thổ Đài Loan trở thành điểm đến được du khách trong khu vực để mắt tới. Có mặt ở Đài Loan trong những ngày đầu năm, chúng tôi đã phần nào lý giải được vì sao vùng lãnh thổ này đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch.
Du lịch sạch
Ngoài vô vàn những khu chợ đêm bày bán các mặt hàng thời trang với giá phải chăng, ngoài những điểm tham quan thú vị như Cửu Phần, thác nước Thập Phần, núi Hehuan và Ali… hay ẩm thực đa dạng và phong phú, người ta còn biết đến Đài Loan bởi tiêu chuẩn sạch xếp ở nhóm bậc nhất châu Á.
Chúng tôi may mắn được tham gia 2 lễ hội văn hóa lớn và quan trọng trong dịp lễ Nguyên tiêu ở xứ này. Đó là lễ bắn pháo hoa cầu bình an ở Bảo tàng Phật Quang Sơn, phía Đông Bắc thành phố Cao Hùng và lễ hoa đăng ở huyện Vân Lâm, thành phố Đài Nam. Trong những ngày này, du khách đến đây đông nườm nượp, đúng nghĩa đi trẩy hội. Chúng tôi không chỉ cảm nhận sự sùng đạo, thán phục khả năng xây dựng…, mà còn cả ý thức của con người nơi đây. Sau khi tham quan một vòng Phật Quang Sơn, từ các công trình kiến trúc đến những cửa hàng bán vật phẩm lưu niệm Phật giáo, khoảng 7 giờ tối, chúng tôi trở lại quảng trường để chờ xem bắn pháo hoa. Rất đông khách ngồi bệt xuống nền đất xi măng trong trật tự để chờ đợi giống như chúng tôi. Không hề có cảnh chen lấn. Muốn chụp hình hay quay phim cũng phải ngồi… Chỗ nào cũng là hình ảnh xếp hàng, từ xếp hàng đi các phương tiện công cộng, đến xếp hàng mua đồ ăn vặt đường phố.
Sản phẩm du lịch xứ Đài
Đông là thế nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của người dân bản xứ rất đáng nể. Lễ hội hoa đăng với hơn 2,5 triệu du khách trong và ngoài nước đến tham dự (số liệu do Tổng cục Du lịch Đài Loan cung cấp) nhưng hầu như không thấy rác vứt bừa bãi. Có nguyên một đội quân chuyên dọn rác rơi vãi ngoài ý muốn của người dân và du khách, như rơi vỡ, bị đổ thức ăn... Tại một lễ hội văn hóa, ở một quảng trường khổng lồ với sức chứa hơn 2,5 triệu người, nhưng không khó để tìm thùng rác và nhà vệ sinh công cộng. Tất cả đều được đặt lộ thiên, dễ tìm thấy nhưng cũng rất lịch sự, đáp ứng tiêu chuẩn sạch, đẹp và tiện nghi.
Ẩm thực đường phố là nét đặc trưng không lẫn vào đâu của Đài Loan. Đi bất kỳ đâu cũng có thể gặp các cửa hàng bán thức ăn, hầu hết đều có đồ ăn hợp khẩu vị của đa phần khách du lịch khắp thế giới. Ẩm thực đường phố chay trong Bảo tàng Phật Quang Sơn cũng để lại ấn tượng khó phai. Từ thức ăn chay tới đồ uống rất đa dạng, phong phú, hình dáng vui mắt, màu sắc hấp dẫn từ trẻ em đến người lớn. Người bán dù cạnh tranh nhưng không hề có sự chèo kéo gây khó chịu cho khách.
Một sản phẩm - hai mục tiêu
Suốt cuộc hành trình, những nơi chúng tôi ghé qua đều để lại những ấn tượng rất đặc biệt, rất riêng. Mỗi một nơi sản xuất ra sản phẩm đặc trưng cũng đều kết hợp mở khu tham quan, du lịch bên cạnh. Du khách đến vừa tìm hiểu sản phẩm, vừa thưởng thức, vừa vui chơi. Tại Honey Museum ở Đài Trung, du khách sẽ tham quan nơi nuôi ong, vừa quan sát ong, vừa thưởng thức các đặc sản làm từ mật ong. Khu tham quan được trang trí rất bắt mắt với hình tượng những chú ong.
Người Đài Loan nỗ lực duy trì các giá trị văn hóa cổ xưa. Một cái lò gạch, một cây cầu sắt hơn trăm tuổi do người Nhật xây dựng ở Đài Nam... Vừa tham quan lò gạch cũ, vừa chứng kiến cảnh sản xuất gạch hiện đại, chất lượng cao phục vụ cho thị trường xây dựng cao cấp, du khách còn được ngồi tô, vẽ, được thỏa sức sáng tạo từ những vật liệu làm gạch...
Du khách được hướng dẫn làm đồ thủ công
Làng văn hóa trống (Ten Drum Cultural Village) là nơi ấn tượng nhất trong suốt chuyến đi. Toàn bộ khu vực đón khách tham quan, thưởng lãm các tiết mục biểu diễn trống, tọa lạc trong khuôn viên rộng lớn của một xưởng sản xuất mía đường đã hình thành cách nay hơn 100 năm. 45 phút theo dõi các tiết mục trống của đoàn trống Ten Drum đã từng được hoan nghênh tại Thế vận hội Olympic mùa hè 2000 tại Sydney và tại World Cup 2002, Seoul, thật sôi động và đầy cảm xúc. Làng trống nằm bên cạnh nhà máy đường, nghe đâu mọi kinh phí duy trì bảo tồn là của nhà máy đường. Ngay trong lòng nhà máy sản xuất đường cách bài trí, thiết kế cũng rất nghệ thuật. Những chiếc nón bảo hiểm của công nhân cũng trở thành một tác phẩm đèn lồng trên trần nhà xưởng. Bên ngoài khuôn viên nhà máy là một bãi đất được biến thành một công viên nghệ thuật để du khách đến chụp hình, uống cà phê…
Chỉ một quán cà phê nhỏ dọc đường giới thiệu cây bông cung cấp cotton để làm ra loại khăn cotton nổi tiếng của xứ Đài thôi cũng làm mê hoặc lòng người. Hướng dẫn viên giới thiệu cây bông vải, giới thiệu khăn, tủ bánh kem và đố chúng tôi nhận ra đâu là bánh kem giả làm từ khăn cotton, đâu là bánh kem thật đang được trưng bày trong tủ kính. Chúng tôi thấy người lớn tuổi đến đây nhiều. Họ cần mẫn ngồi học xếp khăn, xếp thú từ những mảnh vải cotton. Ngay cả vườn hoa Chung-she ở Đài Trung với cách bố trí không gian xen kẽ trong những khung hình nghệ thuật cũng hút khách vô cùng.
Du lịch Đài Loan đang từng ngày phát triển. Từng bước, Đài Loan đã dần có tên trong danh sách các điểm du lịch ưa thích dành cho các chuyến xuất ngoại ngắn ngày. Đây không phải là vùng lãnh thổ giàu tài nguyên hay có phong cảnh đẹp, nhưng đi một lần rồi có thể bạn sẽ tự nhủ “hẹn gặp lại lần sau!”.
XUÂN HẠNH