Ăn uống ba ngày Tết

Những điều lưu ý
Ăn uống ba ngày Tết

Những điều lưu ý

- Tăng thức ăn thực vật, giảm thức ăn động vật: Các loại rau củ, trái cây rất giàu chất khoáng vi lượng như calcium, kalium, magnesium, đều thuộc nhóm mang tính kiềm. Các thức ăn nhiều đạm, nhiều béo là thực phẩm mang tính acid, nếu ăn nhiều thì sẽ làm mất cân bằng tính acid và tính kiềm trong cơ thể, sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, dễ sinh đàm và tạo cơ hội cho các loại bệnh phát sinh, rất bất lợi cho người bị cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu cao, viêm ruột, viêm dạ dày, thống phong (gout)…

- Hạn chế thức ăn quá ngọt: Đồ ngọt dễ sinh đàm thấp dẫn đến tiêu hóa kém, giảm cảm giác thèm ăn, đầy bụng, ợ chua. Chất ngọt sẽ hóa nhiệt, sinh hỏa, dễ phát sinh các loại bệnh ung nhọt ngoài da.

- Hạn chế thực phẩm làm sẵn: Lạp xưởng, xúc xích, jambon, patê, nem thường được thêm chất diêm tiêu để bảo quản và làm cho đỏ thịt. Chả lụa, chả quế, chả giò thường có hàn the. Những loại phụ gia trên đều không tốt cho cơ thể.

- Uống nước đầy đủ: Có thể dùng nước ép trái cây. Tránh dùng quá nhiều rượu, bia, cà phê, nước ngọt có ga, các loại sữa đặc có đường, thuốc lá…

- Không nên ăn quá no: Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối, vì khi nằm, dạ dày căng to, đẩy cơ hoành lên trên, chèn ép, cản trở hoạt động của tim. Chia ăn thành nhiều bữa nhỏ, tạo không khí vui vẻ, thoải mái, ăn chậm và nhai kỹ thức ăn.

Món từ nếp

Các món ăn, bánh được chế biến từ gạo nếp như xôi, chè, bánh chưng, bánh tét… được dùng nhiều ngày Tết. Theo Đông y, gạo nếp có vị ngọt, tính ấm, tác dụng làm ấm bụng, mạnh tỳ vị, bổ phế thận, tăng sức dẻo dai. Đây là loại thức ăn rất thích hợp với những người bị suy nhược cơ thể, tiêu chảy mạn tính, đau dạ dày, kiết lỵ, hay đổ mồ hôi, hơi thở yếu và ngắn, ăn uống kém, mất ngủ, mệt mỏi.

Tuy nhiên, những người bị viêm phế quản mạn tính, ho có đàm vàng đặc, người bị viêm gan cấp, viêm đường tiết niệu, đái tháo đường, nhức mỏi do thấp nhiệt… không nên ăn các thức ăn chế biến từ gạo nếp.

Gia vị

Trong các bữa ăn vào dịp Tết, nên sử dụng thêm một số gia vị như:

- Gừng tươi: Có tác dụng ôn ấm tỳ vị, giúp tiêu hóa thức ăn, chữa kén ăn, ăn không tiêu, cảm lạnh, nôn mửa, ho có đàm, giúp giải độc cua, cá, thịt… Những người đang có vết loét, chảy máu thì không nên dùng gừng.

- Tỏi: Có tác dụng sát khuẩn, điều hòa hệ sinh vật ở đường tiêu hóa, chữa được các bệnh nhiễm trùng đường ruột, phòng ngừa được các bệnh đường hô hấp, tim mạch, ung thư… Mỗi lần chỉ nên ăn 1-2 tép tỏi là đủ.

- Hành tím, hành ta, củ kiệu: Có tác dụng trợ tiêu hóa, chống viêm, ngừa cảm lạnh. Thường dùng chữa ăn uống kém, ăn uống không tiêu, đầy bụng, cảm lạnh, ngoài ra còn phòng ngừa được ung thư.

- Nghệ vàng: Có tác dụng trợ tiêu hóa, lợi mật, kháng khuẩn, giúp mau lên da non, chống loét dạ dày. Ngoài ra còn dùng để khử mùi tanh của cá, ốc, lươn.

- Tiêu, ớt: Có tác dụng kích thích, ăn ngon miệng, trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, những người bị viêm loét dạ dày, táo bón, không nên ăn nhiều tiêu, ớt.

- Các loại rau thơm: Thìa là, ngò, húng quế, húng dũi, cần tây, tía tô, kinh giới… đều là những gia vị có tác dụng làm mất đi mùi vị khó chịu của nguyên liệu chính, có ích cho sức khỏe trong những ngày đầu xuân.

Theo cách tính của khoa Ngũ vận Lục khí trong Đông y, vào năm Ất Mùi, có Kim vận bất cập, nên Mộc khí thừa thế gây bệnh cho tỳ vị.

Năm Ất Mùi là năm có khí Thấp (Thổ) vận hành trong 6 tháng đầu năm. Và vào đầu xuân, khí thứ nhất là khí Quyết Âm Phong (Mộc), bắt đầu từ giờ Tỵ (9-11g), khắc thứ hai, tiết Đại Hàn (20-1-2015), cho đến đầu giờ Mão (5-7g), khắc thứ tư, tiết Kinh Trập (6-3-2015).

Khách khí, chủ khí đều là Phong (Mộc), rét qua, khí Phong (Mộc) về, vạn vật tươi tốt, Phong và Thấp kết hợp nhau, gây tổn hại cho hoạt động của tạng can và tạng tỳ, dễ gây bệnh xuất huyết, gân co cứng, liệt gân, khớp xương đau mỏi, vận động không thuận lợi, người nặng nề, ăn uống khó tiêu, bệnh đường tiêu hóa.

Vì vậy, vào thời gian đầu xuân Ất Mùi, nên lưu ý bảo vệ tạng can (hệ vận động, tiêu hóa, thần kinh), tạng tỳ (hệ tiêu hóa, bài tiết). Tránh dùng các thức ăn hoặc vị thuốc có vị mặn, vị ngọt quá, mà nên dùng thức ăn hoặc vị thuốc có vị đắng, tính ôn (ấm) để bảo vệ can và tỳ.

Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM

Tin cùng chuyên mục