Ăn uống hợp lý, tránh mang bệnh

Các bà nội trợ thường tích trữ khá nhiều thức ăn, có khi phải dùng tới hết rằm tháng giêng và tất nhiên đã có phương tiện hỗ trợ đắc lực là chiếc tủ lạnh. Các mâm cỗ ngày tết vẫn đầy thức ăn, tập trung bao nhiêu là món mà chỉ cần nghĩ qua đã thấy mập lên.

Khi đi chúc tết, người lớn tới mỗi nhà nhấp môi một ít rượu bia cho có không khí, trẻ con thì thoải mái uống nước ngọt, cả nhà cùng thưởng thức bao nhiêu là bánh mứt. Nhưng bữa thì quá no, quá dư dả, bữa lại vui quá đi chơi bỏ bữa ăn. Kết quả là sau tết, người nào dễ ăn (thường là người mập) sẽ lên vài ký, trong khi người khó ăn (thường gầy, hoặc trẻ suy dinh dưỡng) lại càng gầy thêm.

Chế độ ăn không cân bằng như vậy sẽ gây ra một số bệnh lý, nhất là ở trẻ em và người già, là những đối tượng kém khả năng thích nghi với những thay đổi của môi trường sống.

Chính sự kết hợp các món ăn chưa hợp lý khiến có sự khập khiễng nói trên. Sai lầm là có quá nhiều chất bột đường trong một bữa ăn với những món trùng lắp. Ví dụ ăn bánh chưng nhưng vẫn thêm cơm hay bún, miến. Các bữa ăn như vậy quá dư tinh bột, dễ làm lên cân quá mức. Dư bột đường còn do bánh mứt kẹo, nước ngọt. Quá nhiều dầu mỡ do nhiều món chiên xào cùng lúc.

Quá nhiều chất đạm vì vừa có thịt heo, thịt bò, thịt gà, giò chả lại vừa có thêm hải sản. Quá nhiều muối do những món dưa muối mặn, thực phẩm chế biến sẵn (thường có nhiều muối cũng như bột ngọt), không có lợi cho sức khỏe, nhất là người có bệnh tim mạch, cao huyết áp hay bệnh lý gan thận. Thiếu rau và trái cây là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin giúp cơ thể khỏe mạnh. Chất xơ cũng giúp giảm hấp thu chất béo, điều hòa đường huyết.

Để khắc phục tình trạng trên, cần chọn món ăn vừa phải, xoay vòng để thưởng thức nhiều món, không dư năng lượng mà lại thấy ngon miệng. Hạn chế chiên xào và thực phẩm chế biến sẵn. Nên tăng thủy hải sản thay vì thịt đơn thuần vì ít gây tăng cholesterol, máu và mỡ của thủy hải sản dễ hấp thu cũng như có lợi cho sức khỏe hơn. Chọn những món ăn có nhiều rau để tăng chất xơ và giảm năng lượng đưa vào. Ăn trái cây nhiều hơn. Chọn nước trái cây không đường hay nước lọc thay cho nước ngọt, hạn chế bớt đồ ngọt, nhất là ở trẻ em gây béo phì, chán ăn và dễ sâu răng. Rượu bia chỉ dùng thật hạn chế để khai vị.

Để bữa ăn tốt hơn, cần bố trí hợp lý. Không nên bỏ bữa. Với người già và trẻ em, nếu bất đắc dĩ không thể ăn đúng bữa thì có thể uống sữa thay thế. Nếu thiếu rau, có thể sử dụng trái cây thay thế, phải tận dụng nguồn rau và trái cây trong dịp tết.

Đối với bé còn bú mẹ, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính. Do đó, để đảm bảo đủ lượng sữa cho con, mẹ cần ăn đúng bữa và đủ chất dinh dưỡng. Các thức ăn ngày tết thường nhiều đạm, tẩm ướp gia vị và hương liệu nên mẹ ăn vào có thể khiến mùi vị sữa thay đổi. Bé sẽ khó chịu và biếng ăn. Do đó, bạn nên hạn chế những món có nhiều tỏi, tiêu, càri... Bà mẹ cố gắng uống nhiều nước và tránh thức khuya để có đủ sữa cho bé bú. Ngay cả khi gia đình bận rộn, cũng nên tôn trọng giờ giấc sinh hoạt của con, cho bé ăn và ngủ đúng giờ.

Đối với các bé đã dùng thức ăn như người lớn có thể tham gia những bữa tiệc tết của gia đình. Tuy vậy, bố mẹ vẫn luôn phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của con. Những món thường gặp trong ngày tết là giò chả, bánh chưng, mứt, nước ngọt... Đây là các món chứa nhiều mỡ, có độ ngọt, chất béo cao. Những thứ giàu năng lượng này rất dễ gây béo phì, nhất là với bé phàm ăn. Bé cũng rất thích nhâm nhi bánh kẹo khi đi chúc tết. Vì vậy, bạn nên hạn chế cho con ăn vặt hoặc ăn quá nhiều đồ béo. Có thể nấu súp, bún hoặc miến để bé dễ tiêu hóa. Ngoài việc cố gắng giữ đúng giờ cho những bữa ăn chính vào buổi sáng, trưa và tối, bố mẹ có thể mang theo một ít bánh flan, sữa hộp, sữa chua... để cho bé ăn giữa cuộc dạo chơi, thăm hỏi.

BS Thu Hậu
(Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục