Anh Hai “chim cánh cụt”

Ở giữa vùng quê nghèo xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) có một người thầy vô cùng đặc biệt. Anh không có danh phận chính thức, không nằm trong biên chế của ngành giáo dục, mà chỉ là người anh cả của những học sinh nghèo. 

Do mang thân thể tật nguyền, di chuyển đơ cứng như cỗ máy, nên học trò hay gọi là “anh Hai rô-bốt” hay “anh Hai chim cánh cụt”. Anh tên là Lê Quốc Hưng (56 tuổi, thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp), người hơn 30 năm qua tình nguyện dạy học miễn phí cho học sinh nghèo.

Suốt 30 năm qua, anh Hưng tình nguyện dạy học miễn phí cho học sinh các làng quê nghèo nơi “rốn lũ” Bình Định
Vượt qua nghịch cảnh

“Cuộc đời của tôi tưởng đã chấm hết từ cách đây 30 năm rồi! Bệnh tật gần như đã quật ngã, cướp hết những hoài bão của tôi. Nhưng thật may, cơ duyên lại một lần nữa hồi sinh cuộc đời mới cho tôi”, anh Hưng mở lời câu chuyện. 

Cuộc đời anh Hưng kể ra đúng là chuỗi ngày tháng khổ đau. Sinh ra trong gia đình khá giả ở thị xã Quy Nhơn (nay là TP Quy Nhơn, Bình Định), từ nhỏ cậu bé Hưng đã bộc lộ sự nhanh nhẹn, thông minh. Ngoài học giỏi các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh, Hưng còn có đam mê đàn hát, chơi các bộ môn thể thao như chạy xa, nhảy cao, võ… Tuy nhiên, số phận trớ trêu đổ xuống Hưng ngay từ năm học lớp 8. Khi ấy, những cơn đau nhức các khớp xương bắt đầu hành hạ, lên cơn bất chợt. Bệnh tình không thuyên giảm, nhưng Hưng rất ham học, còn đi được thì vẫn gắng gượng đeo bám. Hết lớp 12, cậu ấp ủ ước mơ thi đậu Đại học Y khoa.

Tuy nhiên, ngày chuẩn bị thi đại học thì bệnh tình Hưng trở nặng, các khớp xương toàn thân đau nhức. “Lúc ấy, bố mẹ tôi chạy vạy khắp nơi để cứu chữa, từ bệnh viện đến nhờ vả các thầy thuốc, kể cả thầy cúng… Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị lao xương khớp, cho thuốc về uống, nhưng bệnh không bớt, càng nặng thêm, cứ ăn và uống thuốc vào thì ói ra hết, thân thể co rút, chỉ còn bộ xương. Đến khi vào khám tại bệnh viện ở TPHCM, các bác sĩ bảo tôi bị viêm cột sống dính khớp, chưa có phương pháp điều trị nên khuyên về nhà cố gắng ăn uống, nghỉ dưỡng chờ kỳ tích”, anh Hưng kể. 

Năm tháng trôi qua, không có kỳ tích nào xuất hiện. Cơn bệnh quái ác ngày ngày gặm nhấm, khiến anh Hưng kiệt quệ, ba mẹ anh buộc phải bán hết cả đất lẫn nhà để lo chạy chữa khắp nơi cho con. Đến năm 1991, đất đai, gia sản ở Quy Nhơn bán hết, nợ nần chồng chất, bố mẹ gửi Hưng về Phước Hiệp ở nhờ bà cô nuôi. Ngày rời bỏ Quy Nhơn, Hưng đau khổ tột cùng. “Tôi như kẻ thất bại trốn chạy, chỉ thương cho bố mẹ chạy vạy khắp nơi, tán gia bại sản”, anh Hưng nói. Ngày về Phước Hiệp, anh Hưng phải đeo 2 nạng mới đi lại được. “Trong một lần bị trượt té xuống kênh mương, tôi rất bực tức. Tôi nghĩ, chẳng lẽ mình phải tàn phế, đeo nạng suốt đời hay sao. Tôi đập gãy 2 cây nạng, vịn vách rào tre, vách nhà tập đi”. Anh nhích từng bước, rồi khập khiễng đi từng bước ngắn té lên bổ xuống, nhưng vẫn không chịu bỏ cuộc. Dần dần, anh Hưng cũng định hình được lối đi mới, bước chân cũng nhanh hơn, nhưng nghiêng ngả như loài “chim cánh cụt”, rô-bốt…

Anh Hai của hàng ngàn học sinh

Năm 1992, dù thân thể mang bệnh tật, nhưng anh Hưng cơ bản kiểm soát được những cơn trở chứng và quyết định làm một việc gì đó có ích. Anh kêu tất cả con, cháu trong dòng họ, trong làng lại để chỉ bảo bài vở. Ban đầu, anh chỉ dạy cho học sinh khối lớp 1 đến lớp 5. “Các em đều có hoàn cảnh khó khăn, có em phải đi nhặt phân bò, nhặt củ mì để phụ giúp gia đình nên không có điều kiện ôn tập bài vở ngoài giờ học trên trường. Vì thế, tôi quyết định làm người anh chỉ bài, ôn tập như gia sư tại nhà cho các em”, anh Hưng nói.

Anh Hai “chim cánh cụt” ảnh 2
Đến năm 2002, bố mẹ anh Hưng chuyển hẳn về làng Tuân Lễ (xã Phước Hiệp) để sinh sống dưới ngôi nhà tranh, vách đất. Tận dụng bóng mát của các bụi tre trước nhà, bố xin ván gỗ đóng một cái bàn, làm bảng để con dạy học. Dân làng thấy thương thầy Hưng nên chung tay lợp mái lá, đóng bàn ghế cho học sinh, quyên góp tiền mua phấn, bảng, bút viết, thuốc thang… Lớp đầu tiên thầy Hưng dạy gồm 20 học sinh, đều là con em trong làng Tuân Lễ. Học sinh đến nhờ anh chỉ dạy, giảng bài, ôn bài tập nhà trường giao về nhà. Còn anh Hưng thì tá túc dưới rặng tre, từng ngày đem nhiệt huyết giúp đỡ học trò, lấy nụ cười, sự hồn nhiên con trẻ để vượt qua bệnh tật, sống tiếp.

Các thế hệ học trò không gọi anh Hưng là thầy mà gọi “anh Hai Hưng”. Thầy Hưng nhận giúp đỡ học sinh từ lớp 1 lên đến lớp 12, chủ yếu các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh theo suốt cả hành trình học. Để có giáo án, anh phải tận dụng từng trang vở cũ còn trống của học trò để đóng tập chép các công thức, thuật toán, lưu ý, kinh nghiệm, đúc kết. Học sinh qua từng khóa chẳng có gì ngoài tặng lại “anh Hai” những tập sách, vở cũ, giấy trắng (để đóng tập), các đề thi, ôn tập… Nhờ vậy, giáo án, tài liệu giảng dạy của anh Hưng ngày càng phong phú, đầy đủ hơn. Anh chịu khó vừa chuyên tâm nghiên cứu, tìm tòi giải hết tất cả bài học từ chương trình giáo dục cũ đến bộ sách mới cải tiến. Khi học sinh hỏi, bài nào giải được ngay thì anh giảng luôn tại chỗ, còn chưa giải ra thì anh thức thâu đêm lục lọi, nghiên cứu để tìm cách giải sớm nhất cho các em.

Càng về sau, tiếng lành đồn xa, học sinh nhiều xã, vùng lũ huyện Tuy Phước và các huyện Tây Sơn, Vân Canh (Bình Định) cũng tìm đến nhờ thầy Hưng chỉ bài. Có thời điểm, mỗi ngày “anh Hai Hưng” ôn bài cho 5 nhóm học sinh (50 em). Lúc giải lao, học trò cùng với “anh Hai” chuyện trò đủ thứ, từ chuyện ngoài đường, ở nhà, ở trường... Nhờ vậy, anh Hưng nắm bắt được tâm lý học sinh để tâm sự, an ủi, kịp thời chỉ bảo các em tránh những suy nghĩ lệch lạc trong cuộc sống. Cứ thế, đằng đẵng suốt 30 năm trời, nhiều thế hệ học sinh từng được “anh Hai” giúp đỡ nay đã có công ăn việc làm, ngành nghề ổn định. 

Hỏi chuyện về anh Hưng, bà Nguyễn Thị Tư (71 tuổi, người làng Tuân Lễ) kể, khi về làng Tuân Lễ, năm 2006 mẹ anh Hưng mất, đến năm 2011 bố anh qua đời, em trai anh lấy vợ ở xa. Vài năm sau, người em thương anh tật nguyền sống đơn độc nên đưa vợ con về sống chung, tiện bề chăm sóc. Nhưng được mấy năm, vợ của người em mất, hai anh em từ đó nương vào nhau. Anh thì dạy học cho trẻ trong làng, em thì chăn nuôi trâu, bò, heo, gà, làm nông… Anh em họ sống rất nghĩa tình nên làng xóm ai nấy đều quý mến, đùm bọc.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp (Tuy Phước, Bình Định), nhìn nhận, nhờ lớp học của anh Hưng đã phần nào giảm bớt gánh nặng cho nhà trường, cũng như các bậc phụ huynh. Mấy năm nay, nhiều tổ chức từ thiện, các trường đại học trong tỉnh đã đến quyên góp cùng với làng xóm, tạo được một không gian tốt hơn để anh Hưng dạy học.

Tin cùng chuyên mục