Ảnh hưởng của “căn bệnh nan y”

Theo định nghĩa của Tổ chức Minh bạch quốc tế, tham nhũng là tình trạng lạm dụng quyền lực để mang lại lợi ích cá nhân. Tham nhũng và tham ô là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo, yếu kém tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế.

“Căn bệnh nan y” này trên thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, đe dọa đến an ninh của một đất nước. Cũng chính vì tham nhũng mà trong ngày 11-1, theo AFP, hơn 20.000 người đã xuống đường tại thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối tình trạng tham nhũng trong Chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Ẻdogan. Vụ việc bắt đầu từ ngày 17-12-2013 sau khi một số doanh nhân và con trai của 3 bộ trưởng bị bắt liên quan đến các vụ đưa và nhận hối lộ trong các dự án xây dựng. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ bị sốc khi truyền hình chiếu cảnh thu được hàng triệu USD tại nhà của các nghi phạm dùng làm “tiền bôi trơn” các dự án bất động sản. Cơn phẫn nộ của dân chúng càng dâng cao khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền đưa ra quốc hội dự luật cho phép chính phủ thêm quyền kiểm soát đối với tư pháp khi mà tòa án đang điều tra nhiều vụ tham nhũng lớn.

Tại Trung Quốc 518 đại biểu HĐND thành phố Hành Dương thuộc tỉnh Hồ Nam vào cuối tháng 12-2013 đã bị bãi nhiệm, sa thải hoặc từ chức vì dính líu tới việc hối lộ để gian lận kết quả bầu cử. Cuộc điều tra bước đầu đã phát hiện 56 đại biểu HĐND tỉnh Hồ Nam đã hối lộ cho 518 đại biểu này để họ được bầu vào HĐND tỉnh. Tổng số tiền hối lộ lên tới 110 triệu nhân dân tệ (hơn 18 triệu USD). 56 đại biểu HĐND tỉnh Hồ Nam cũng đã bị miễn nhiệm. Đây được xem là vụ hối lộ với số lượng người phạm tội lớn kỷ lục tại Trung Quốc.

Tại Hoàng gia Tây Ban Nha, một nơi thường được công chúng dành những tình cảm tôn kính nhất, cũng đang dậy sóng vì bê bối tham nhũng và lãng phí của công. Theo Reuters, Công chúa Cristina đã phải chấp nhận ra hầu tòa vào ngày 8-3 liên quan đến các cáo buộc trốn thuế và rửa tiền của một tổ chức từ thiện do chồng bà thành lập. Cả bà và chồng đều bác bỏ mọi cáo buộc. Đây sẽ là lần đầu tiên một nhân vật trong Hoàng gia Tây Ban Nha ra hầu tòa kể từ năm 1975 khi Nhà vua Juan Carlos lưu vong từ nước ngoài trở về nước lấy lại ngôi từ chế độ độc tài Francisco Franco. Ngay bản thân Nhà vua Juan Carlos cũng từng bị thần dân chỉ trích về lối sống xa hoa trong khi nền kinh tế Tây Ban Nha đang suy thoái, trong đó có vụ đi săn voi ở Botswana năm 2012.

Tham nhũng tại nhiều nước hiện nay không ngoại trừ một cấp độ nào, từ cao đến thấp. Trong khi Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ, dư luận đang chú ý tới các cáo buộc tham nhũng lãng phí trong hàng ngũ lãnh đạo quốc gia, người dân Venezuela lại bức xúc với tình trạng cảnh sát tham nhũng, ảnh hưởng xấu đến sự an toàn của cuộc sống người dân. Sau vụ cựu Hoa hậu Venezuela Monica Spear cùng người chồng cũ bị bắn chết trên xa lộ, dư luận đặt vấn đề vai trò của cảnh sát. Bộ trưởng Nội vụ Miguel Rodriguez đã lên truyền hình công khai số điện thoại của mình để sẵn sàng nhận thông tin từ các sĩ quan cảnh sát tố cáo tiêu cực, tham nhũng trong hàng ngũ của mình.

Công ước Phòng chống tham nhũng của LHQ có hiệu lực từ ngày 14-12-2005, đến nay đã có hơn 140 nước phê chuẩn. Biện pháp chính chống tham nhũng của công ước này gồm quy ước về chuẩn mực hành xử của cán bộ, viên chức nhà nước; các biện pháp bảo đảm sự độc lập của ngành tư pháp; đấu thầu công khai các dự án, công trình; thúc đẩy tính minh bạch và truy cứu trách nhiệm trong việc quản lý tài chính công cộng và khu vực tư nhân; mở rộng sự tham gia của các tầng lớp dân chúng trong xã hội dân sự. Xem ra, để thực thi công ước này, con đường phía trước còn lắm chông gai.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục