Anh tìm cơ hội mới

Trong bối cảnh còn chưa đầy 2 tuần nữa sẽ chính thức rời khỏi “mái nhà chung” Liên minh châu Âu (EU), Anh đang nỗ lực tìm kiếm các mối quan hệ thương mại mới. 

Thỏa thuận Brexit mà Anh và EU ký kết hồi tháng 10-2019 đã được thông qua tại Hạ viện Anh, mở đường cho Thủ tướng Johnson hiện thực hóa cam kết hoàn thành Brexit đúng hạn vào ngày 31-1-2020.

Để không bị hụt hẫng khi rời khỏi EU, khối thương mại lớn nhất thế giới, Anh rất muốn phát triển mối quan hệ thương mại với các quốc gia bên ngoài châu Âu. Bên cạnh việc hoàn tất các thỏa thuận thương mại tự do song phương, Anh cũng đã chủ động đăng cai Hội nghị thượng đỉnh đầu tư Anh - châu Phi đầu tiên diễn ra tại London ngày 20-1. Châu Phi chiếm 8/15 nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới và dân số có thể tăng lên hơn 2 tỷ người vào năm 2050.

Thủ tướng Boris Johnson gặp 16 nhà lãnh đạo trong số 21 quốc gia châu Phi tham gia hội nghị nhằm kêu gọi các mối quan hệ đầu tư sâu sắc hơn với các nước châu Phi. Theo số liệu của Cơ quan xuất khẩu Anh, nước này đã đầu tư 2 tỷ bảng Anh (2,6 tỷ USD) cho các hoạt động xuất khẩu sang châu Phi của các công ty Anh trong vòng 2 năm qua. Chính phủ Anh hy vọng tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư Anh - châu Phi lần này, các công ty của hai bên sẽ đạt được các thỏa thuận thương mại trị giá khoảng 6,5 tỷ bảng.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở London, Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi Anh trở thành “đối tác đầu tư được lựa chọn” cho châu Phi. Ông nêu bật các giao dịch trị giá hàng tỷ bảng với các quốc gia thuộc châu Phi, đồng thời nhấn mạnh vai trò của các công ty Anh đang đóng góp trong việc cung cấp mọi thứ ở Kenya, từ đèn đường thông minh ở Nigeria đến các nhà máy bia thân thiện với môi trường.

Thủ tướng Anh cũng tuyên bố chấm dứt hỗ trợ của Anh đối với hoạt động khai thác than hoặc nhà máy điện chạy than ở nước ngoài.

Theo báo Telegraph, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Anh Alok Sharma cho rằng hội nghị thượng đỉnh chưa từng có với các nhà lãnh đạo châu Phi ở London mang đến cho Anh một cơ hội quan trọng để tăng cường sức mạnh tài chính. Trong bối cảnh ảnh hưởng của Anh trong khu vực châu Phi - nơi nước này từng thống trị đang suy yếu dần, Thủ tướng Anh muốn đưa nước Anh trở lại vị thế vốn có.

Tờ Telegraph nhận định: Thủ tướng Anh thể hiện tham vọng của Anh tại một nơi bị “bỏ quên” trên thế giới. Các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh châu Phi tới London dự hội nghị cũng sẽ được đón tiếp theo nghi thức nguyên thủ với tiệc chiêu đãi tại Cung điện Buckingham với tư cách là khách của Hoàng gia Anh.

Tuy nhiên, cũng tờ Telegraph cho rằng Anh có lẽ đã chậm chân hơn so với Pháp, Nga và Trung Quốc. Nhưng theo ông Sharma, Anh có sức mạnh của riêng Anh với tư cách là nước có nguồn đầu tư tư nhân hàng đầu ở châu Phi và thành phố London cũng được xem là có sức hút mạnh về đầu tư.

Cũng theo ông Sharma, mặc dù thường xuyên hoạt động đằng sau hậu trường, Anh đã không đi đầu trong việc giải quyết các cuộc xung đột ở châu Phi kể từ khi có sự can thiệp của quân đội thời Thủ tướng Tony Blair để chấm dứt nội chiến Sierra Leone, cách đây gần 20 năm. Nhưng là một trong những nhà tài trợ lớn nhất ở châu Phi, Anh đã cố gắng tận dụng nguồn viện trợ gắn với ảnh hưởng của mình.

Tin cùng chuyên mục