Anh trai - em gái

3 tuổi, em gái lăn lê bò nghịch trên nền đất. Anh 5 tuổi ngồi trông không cho em bỏ cát vào miệng. Em gắt ngủ, anh bế em lên võng, đưa cho em ngủ chờ mẹ đi làm về lấy cơm cho em ăn. Em ngủ trong nhịp võng anh đưa, trong tiếng à ơi anh ru, trong cả nhịp chân bịch bịch anh chạy qua lại bám theo cánh võng. 4 tuổi, em theo anh đi học, ngồi kế anh học ké lớp 1.
Anh trai - em gái

3 tuổi, em gái lăn lê bò nghịch trên nền đất. Anh 5 tuổi ngồi trông không cho em bỏ cát vào miệng. Em gắt ngủ, anh bế em lên võng, đưa cho em ngủ chờ mẹ đi làm về lấy cơm cho em ăn. Em ngủ trong nhịp võng anh đưa, trong tiếng à ơi anh ru, trong cả nhịp chân bịch bịch anh chạy qua lại bám theo cánh võng. 4 tuổi, em theo anh đi học, ngồi kế anh học ké lớp 1.

Hễ có thầy cô lớp khác đi qua, anh buông vội bút ấn đầu em ngồi thụp xuống gầm bàn hay nằm im trên ghế, vậy mà em đã học được những con chữ đầu tiên sau cả quãng đường dài ngồi sau xe đạp anh chở. 5 tuổi, em không thể ngồi cạnh học lớp 2 mà ngồi cạnh nhỏ bạn hàng xóm. Anh vẫn ngày ngày chở em tới lớp học ké, dắt em vào chỗ ngồi, đưa bút, vở cho em, dặn em nhớ trốn xuống gầm bàn nếu có thầy cô lạ. Về nhà, em cặm cụi tập viết chữ bên cạnh anh và những que tính.

Ảnh: C.T.V.

Ảnh: C.T.V.

Từ những ngày thơ bé cho tới năm lớp 3, ngoài việc bám theo anh đi học, em còn lẽo đẽo theo anh bêu nắng ngoài đồng chăn trâu. Tuổi thơ gắn liền với cánh đồng khô gốc rạ. Anh đỡ em ngồi trên lưng trâu nhong nhong khắp cánh đồng. Có lần bị trâu đuổi, em chạy ngã sấp mặt. Anh cột trâu bỏ đói cả lúc lâu.

Lớn hơn chút, làm rẫy cùng nhau hay được anh cuốc đất giùm cho những lúc em mệt ngồi nghỉ dài dài. Nhớ mãi có lần cuốc gốc cây, em gọi anh lại cuốc hộ. Anh vác cuốc bước lại đúng lúc em vung cuốc lên bổ một nhịp cuối. Em tái mặt nhìn máu từ mắt anh chảy thành dòng trên má. Vết sẹo giờ vẫn còn, nhưng may mắn được che đi bởi hàng lông mày như con sâu róm.

Em lớp 5, học xa nhà lại đi ngoài đường lớn, anh kèm em chạy xe sát lề cho khỏi bị xe máy, xe ô tô làm giật mình, kèm em sang đường tránh bị xe tông... Thế mà những kỷ niệm dễ thương ấy bỗng dưng tắt vụt khi em lên lớp 7, anh đua đòi theo đám bạn ăn chơi phá phách. Anh đánh nhau, em khóc òa lao vào can, anh xô em ngã rồi bỏ đi. Anh hút thuốc lá, em giằng lại; anh thẳng tay tát em ù tai, em méo mặt mà không dám khóc. Càng sợ không dám mách bố, sợ những vết roi bằng ngón chân cái hằn trên lưng anh. Sau đó anh bỏ học, bỏ nhà đi bụi. Em lặng người nhìn nước mắt mẹ rơi. Đủ mọi lời năn nỉ, anh cộc cằn: Kệ tao! Nói nhiều!

Rồi thời gian cũng làm tay chơi như anh thấm mệt, nhận ra cuộc đời này không có chỗ đứng cho những người mê ăn chơi, lười lao động. Anh bắt đầu đi làm và cảm thấy không học là một điều đau khổ, bất hạnh. Nên những năm em học cấp 3, anh dành nhiều thời gian động viên em học hành đàng hoàng. “Cả nhà còn trông vào em thôi” - câu nói mang cả một sức nặng! Cố đừng như anh, bài học rút ra từ chính anh nè.

Những trải nghiệm, va vấp, nhọc nhằn đổi lấy bát cơm đã cho anh sự chín chắn, trưởng thành hơn. Năm ấy anh nhập ngũ, ngày sắp cơm tất niên anh không kịp về, nhắn tin: Giờ này năm sau anh không biết mình đang ở đâu, sẽ đón tết với ai nữa. Em xót xa, thương anh quá đỗi. Dẫu sao em cũng rất tự hào có một người anh đã biết “làm trai cho đáng nên trai…”, tuy là thời bình nhưng đất nước vẫn chưa hết họa giặc ngoại xâm.

Anh thật trở nên sáng suốt khi suy nghĩ rằng “Tuổi trẻ không nên hỏi Tổ quốc đã làm gì cho mình mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc”. Em vào học đại học thì anh vào trường học quân đội được rèn luyện, thử thách sức trẻ, tài trai cũng là một điều hạnh phúc. Ngày em nhập học anh đang đóng quân trong đồn, không về gặp em được, em bảo vào thăm, anh nói “đường núi không, đi mà lỡ hỏng xe thì ngồi đó mà khóc tiếng Mán”.

Em đi Sài Gòn, anh nhắc chịu khó học mỗi tháng anh cho 100.000 đồng tiền điện thoại. Em chỉ cười, sao gửi được mà cho, lính biên phòng quanh năm chỉ thấy toàn rừng với cây, có mấy khi liên lạc được với bên ngoài đâu. Đi lính, anh để lại cho em chiếc điện thoại đã cũ.

Em giữ mãi dù đôi lúc hư hỏng chẳng thể gọi - nghe. Anh bảo cho tiền đổi điện thoại mới, em lắc đầu, còn dùng được. Anh không hiểu, em giữ, chỉ vì nó từng là của anh, để đến khi bị giật mất điện thoại ngay trên đường phố, em ngẩn ngơ. Không chỉ là mất những thông tin quan trọng mà còn vì mất đi một vật kỷ niệm. 

Anh trai và em gái, kỷ niệm yêu thương. Dẫu là đôi lúc khắc khẩu, dẫu là đôi lúc em khóc vì anh thẳng tay bạt tai em không thương tiếc, dẫu là khoảng cách địa lý và thời gian chẳng gần gũi nhau nhiều... nhưng em vẫn là em gái anh. Em đã tự lớn mà chẳng có anh ở bên dạy cái này cái kia như ngày bé. Đến lúc có thể cảm nhận giá trị thật sự của tình cảm anh em thì em cũng nhận ra, mình đang thiếu thốn và xa cách...!

Lãng Phong

Tin cùng chuyên mục