Từ điều tra của phóng viên Báo SGGP

Phá vụ bán quân trang, quân dụng tại chợ Dân Sinh

Phá vụ bán quân trang, quân dụng tại chợ Dân Sinh

Trước lời mời: “Anh ơi, mua gì không? Hàng quốc phòng có đủ cả nè!”, tôi gửi chiếc xe gắn máy ngoài lề đường Yersin và chỉ vài bước chân, tôi đã lọt thỏm vào khu vực tràn ngập màu xanh lính ở chợ Dân Sinh (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM). Chọn bộ đồ… sĩ quan với giá 110.000 đồng và chiếc mũ vải có gắn ngôi sao 25.000 đồng, thoáng chốc, tôi đã “chỉnh tề” trong bộ quân phục.

        Công khai mua bán

Rảo một vòng trong lòng chợ Dân Sinh, chúng tôi nhận thấy phân nửa các sạp dành trưng bày quân trang và các kỷ vật quân đội. Tại sạp M.C, xen lẫn trong các bộ trang phục rằn ri là hàng tá trang phục quân đội các nước. Với lý do cần giúp ông chú cựu chiến binh mở đại lý bán quân trang tại một chợ ở ngoài miền Trung, chúng tôi đề nghị đặt mua hàng với số lượng lớn, nhưng phải là hàng do các công ty quân đội sản xuất. Hai vợ chồng chủ sạp cho biết, áo quần và các loại nón mũ, võng, mền… mua bao nhiêu cũng có, nhưng riêng về mặt hàng ba lô thì phải đặt trước 5 ngày.

Áo, quần sĩ quan mỗi cái 55.000 đồng; đồ rằn ri 180.000 đồng; áo trấn thủ: 60.000 đồng; ba lô: 90.000 đồng; áo lính Hàn Quốc: 90.000 đồng; giày lính Mỹ: 2 triệu đồng/đôi… Áo quần sĩ quan thường để nơi sản xuất là Công ty May 20, còn ba lô thì đính logo của Cục Quân nhu - Tổng cục Hậu cần (!?).

Đến sạp B.A.H, khi nghe dạm hỏi về bộ áo quần sĩ quan cao cấp, ông chủ sạp đưa ra một bộ màu cỏ úa do Công ty May 28 sản xuất (không loại trừ là hàng giả, hàng nhái-PV), ra giá 300.000 đồng. Trong khi đó, bộ đồ sĩ quan mùa rét được kêu giá 500.000 đồng.

Trong khi chúng tôi còn săm soi chiếc áo thì có người đàn ông lớn tuổi ghé vào hỏi mua… huy hiệu thương binh. Ông chủ sạp lắc đầu cho biết loại này hiếm lắm, đã hết hàng. Vị khách quay qua tìm hiểu các loại huy hiệu, huy chương khác được đính kín mặt trước một chiếc áo trấn thủ treo công khai trên giá.

Kiểm tra, thu giữ đồ quân trang, quân dụng tại chợ Dân Sinh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Kiểm tra, thu giữ đồ quân trang, quân dụng tại chợ Dân Sinh. Ảnh: VIỆT DŨNG

        Mua quân trang như mua... rau!

Chúng tôi vào sạp Lâm Oanh và trưng ra bộ đồ sĩ quan, hỏi mua với số lượng lớn “để trang bị cho đơn vị”. Bà chủ sạp dò xét một hồi rồi cả quyết “bao nhiêu cũng có, giá 115.000 đồng/bộ”. Chúng tôi chê đắt, bà ta nói “Bao hàng em luôn, ai rẻ em cứ mua, ở đây… cạnh tranh lắm, chị lời có 5.000 đồng/bộ hà!”.

Nắng hừng hực dội xuống nóc nhà lồng chợ, vờ quệt mồ hôi điện thoại về “hỏi sếp”, chúng tôi quay lại yêu cầu mua tổng cộng 15 bộ nhưng bảo đảm phải có dây nịt, nón và phải “đúng gốc”. Bà chủ móc ra một card visit bảo: “Em cứ cho biết size và địa điểm giao hàng, chị sẽ đáp ứng hết. Xời ơi em ở phường… của quận 5 hả, nhà chị cũng ở đó. Mấy ông công an phường cũng ra mua hàng của chị hoài!? Mình không quảng cáo thì thôi, ai biết tới mua thôi chứ mấy vụ này ngại lắm!”.

Vừa nhá tiền cho bà Lâm Oanh xem, chúng tôi mua… một dùi cui thép bọc cao su của cảnh sát cơ động được chất thành bó với giá 40.000 đồng/cái. Thầm nghĩ với công cụ hỗ trợ này mà vào tay kẻ bất lương, hậu quả sẽ rất khó lường…

Thấy chúng tôi mau mắn, bà chủ “gút”: “Thôi bây giờ chị bao em luôn nguyên bộ quần áo, nón sĩ quan là 130.000 đồng, có dây nịt đàng hoàng. Nói địa chỉ đi chị giao tới nơi”. Chúng tôi yêu cầu phải mua thêm 4 bộ quân hàm đại úy, 11 bộ quân hàm thượng sĩ, bà Oanh nói “OK” và chạy đi đâu đó một lúc. Trở lại vịn vai… người mua, bà cười: “Rồi, 20.000 đồng/bộ, em đặt nhiêu?”…

Chúng tôi gọi điện thoại hỏi Đại tá Phạm Văn Cường, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS TPHCM thì được biết: “Quân trang, quân dụng đều được may từ các công ty thuộc quân đội. Hàng năm, Bộ CHQS TPHCM đều trang bị cấp cho BCHQS các quận, huyện theo đúng chỉ tiêu và tất cả đều có nhãn, mác của các công ty quân đội ở cổ áo. Riêng các phường, xã khi có nhu cầu thì lại được BCHQS các quận, huyện mua rồi phân phối. Đồng phục sĩ quan, hạ sĩ quan, dân quân đều do quân đội may, dùi cui thì thống nhất theo biểu mẫu…”.

Quân trang và công cụ hỗ trợ đặc dụng do PV Báo SGGP mua tại chợ Dân Sinh, ngày 2-7.

Quân trang và công cụ hỗ trợ đặc dụng do PV Báo SGGP mua tại chợ Dân Sinh, ngày 2-7.

        Phá án

Xác định được một số quầy, sạp ở chợ Dân Sinh có buôn bán quân trang, quân dụng giả, nhái… chúng tôi có cuộc làm việc khẩn với Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Thái Bình Nguyễn Thế Định. Nghe thông tin từ PV Báo SGGP, ông Định cho mời ngay Trung tá Lê Văn Thường, Trưởng Công an phường Nguyễn Thái Bình đến bàn bạc.

Trung tá Thường cho biết sau vụ mua bán quân trang, quân dụng bị phát hiện ở quận Tân Phú, Công an quận 1 và phường Nguyễn Thái Bình đã rà soát, đưa vào tầm ngắm một số đối tượng ở chợ Dân Sinh. Tuy nhiên, lực lượng công an chưa phá án vì đang thực hiện trinh sát, truy tìm nguồn gốc, địa điểm chứa hàng. Trung tá Thường đề nghị PV Báo SGGP phối hợp “phá án”.

15 giờ chiều ngày 2-7, tại quán cà phê Hello ngay góc đường Lê Thị Hồng Gấm - Calmette, chúng tôi điện thoại đặt hàng 15 bộ đồng phục sĩ quan kèm nón và quân hàm. Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu mua thêm 5 bộ dây nịt công an xã và được bà Oanh nhận lời giao hàng.

Ngồi đợi khoảng 15 phút với sự hỗ trợ bí mật của lực lượng công an, chúng tôi thấy một người đàn ông chạy xe Wave màu đỏ, chở một túi nặng đến quán. Theo đúng ám hiệu giao ước, người đàn ông mở gói hàng ra cho chúng tôi kiểm tra và quả đúng như đơn đặt hàng, các “món” được yêu cầu đều có đủ. Chúng tôi ra hiệu và các trinh sát công an ập vào bắt đối tượng cùng tang vật! 

Lúc 16 giờ 30 chiều 2-7-2009, lực lượng liên ngành công an, quân sự, UBND phường Nguyễn Thái Bình đã kiểm tra hành chính sạp Lâm Oanh (A16 chợ Dân Sinh). Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện thêm 210 huy hiệu quân đội màu đỏ, 9 áo sĩ quan quân đội, 6 quần sĩ quan quân đội, 4 dây nịt quân nhân, 5 dùi cui chuyên dụng.

Người giao hàng quân trang, quân dụng bị bắt quả tang cũng được xác định tên Nguyễn Văn Tâm (SN 1959, quê quán Sóc Trăng, tạm trú tại số 59 (lầu 6) Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, Q1) được chủ hàng là bà Dương Thị Mai Chi cử đi giao hàng cho PV Báo SGGP như đã nêu trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những số báo tiếp theo.

DƯƠNG MINH - LÂM QUÝ

Tin cùng chuyên mục