Sập cầu Ghềnh, đường sắt Bắc - Nam gián đoạn

- Khoảng 3-5 tháng nữa mới có thể khắc phục xong sự cố  
Sập cầu Ghềnh, đường sắt Bắc - Nam gián đoạn

- Khoảng 3-5 tháng nữa mới có thể khắc phục xong sự cố  
- Bộ GTVT thành lập Tổ công tác đặc biệt xử lý vụ sập cầu Ghềnh
- Đã xác định danh tính 2 người trên sà lan gây tai nạn bỏ trốn
- Khởi tố vụ sà lan húc sập cầu 

(SGGPO).- Khoảng 11 giờ 45 ngày 20-3, cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai đã bị sà lan đâm sập, nhiều người và xe rơi xuống nước. Nguyên nhân ban đầu được xác định, do thuyền trưởng sà lan vi phạm quy tắc giao thông đường thủy.

CSGT đường thủy rà soát trên sông Đồng Nai để tìm người mất tích

17 giờ, hai Thứ trưởng Bộ GTVT là ông Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Hồng Trường cũng đã có mặt tại Đồng Nai và tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh Đồng Nai và các ban ngành liên quan để tìm ra giải pháp khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh.

Tại cuộc hộp, đại diện Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai thông tin, các phương tiện tham gia giao thông gặp tai nạn đều đã được đưa lên bờ và bàn giao cho công an địa phương để trao trả cho người dân.

Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Bùi Hữu Danh cho biết, hiện Công an tỉnh đang phối hợp với Cục điều tra C45 - Bộ Công an để điều tra làm rõ sự việc. Cho đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định liệu có người dân nào bị chết trong vụ tai nạn này. Riêng hai tài công  của sà lan gây sập cầu hiện đã bỏ đi khỏi hiện trường nhưng cơ quan công an cũng đã xác minh được danh tính.

Tại cuộc họp, các lãnh đạo cũng yêu cầu, việc trục vớt sà lan cần phải thực hiện khẩn trương, vì nếu để lâu dễ dẫn đến tình trạng sà lan trôi dạt, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy.

Khởi tố vụ sà lan húc sập cầu

Chiều tối 20-3, Đại tá Bùi Hữu Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ sà lan húc sập cầu Ghềnh, xảy ra vào giữa trưa cùng ngày.

Theo đại tá Bùi Hữu Danh, sau khi đã thống nhất giữa các cơ quan liên quan, cơ quan điều tra nhận thấy đây là một vụ tai nạn khá nghiêm trọng, vì vậy đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, theo điều 212 Bộ luật Hình sự.

Sau khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai nhanh chóng phối hợp với Cục Điều tra C45, Bộ Công an để điều tra sự việc. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng vẫn chưa xác định có hay không người bị chìm, vì đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa tìm thấy xác nạn nhân nào dưới lòng sông trong khu vực và giáp ranh địa phận. Hiện công an đã xác minh được danh tính hai người có mặt trên sà lan vào thời điểm sà lan gây “họa”; xác định hai người điều khiển đầu máy là hai chú cháu và hiện hai người này đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

***

Khoảng 3-5 tháng nữa mới có thể khắc phục xong sự cố

Liên quan đến vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam gián đoạn, tối 20-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện toàn bộ hệ thống đường sắt Bắc - Nam đoạn qua khu vực này đã không thể sử dụng được nữa. Bộ đang tích cực thực hiện các giải pháp như thông báo kịp thời đến toàn bộ hành khách đi tàu, sắp tới chỉ dừng lại ở ga Biên Hòa, sau đó sẽ trung chuyển từ ga Sài Gòn qua ga Biên Hòa và ngược lại.

Thứ hai, trục vớt và đưa ra các phương án xây dựng cầu mới. Để làm được điều này, ngay trong ngày mai, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để khảo sát thực địa, đồng thời tiến hành lai dắt chiếc tàu gây tai nạn vào vị trí an toàn để tránh tình trạng tàu này trôi và tiếp tục gây tai nạn; phối hợp với các đơn vị tư vấn để lên phương án trục vớt các dầm cầu bị đâm gãy chìm dưới sông, cũng như đánh giá hư hại của dầm cầu để đưa ra phương án xử lý; phối hợp với tỉnh Đồng Nai để phân luồng tuyến đường thủy đi qua khu vực trên.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bày tỏ, đối với đường sắt, đây là ngành vận tải đặc thù, do đó việc xây dựng các cầu tạm hay các cầu phao sẽ không thể thực hiện được, vì yêu cầu một sự ổn định rất cao và chịu tải trọng rất lớn. Do đó, phương án hiện nay đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam là phải dừng lại ở ga Biên Hòa, sau đó trung chuyển. Bộ đang khảo sát các trụ mố cầu bị đâm gãy, vì bản thân các mố trụ này đang rất tốt, do đó, nếu đảm bảo chúng tôi sẽ làm lại các thân trụ. Song song với đó sẽ làm hai thân trụ mới và thi công hai nhịp cầu thép mới để thay thế cho hai nhịp cầu bị đâm gãy. Thời gian ít nhất khoảng từ 3 - 5 tháng mới có thể khắc phục xong để tuyến đường sắt Bắc - Nam lưu thông trở lại.

Cùng thời điểm 16 giờ 30 ngày 20-3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Lê Văn Khoa đã có cuộc họp khẩn với Ga Sài Gòn và Sở GTVT TPHCM về việc đảm bảo cho hành khách đi tàu. 

Ông Lê Văn Khoa yêu cầu ga Sài Gòn và Sở GTVT có thông báo chính thức cho hành khách đi tàu biết, ga vẫn tiếp tục phục vụ hành khách. Theo đó, Sở GTVT cùng các đơn vị tính toán phương án đưa đón hành khách một cách tốt nhất, nếu có gì vướng mắc, các đơn vị báo cáo để TP có hướng giải quyết cho người dân.

Ga Sài Gòn chủ động việc trung chuyển miễn phí để hành khách đi không bị gián đoạn, tặng nước, khăn lạnh phục vụ người dân trên hành trình trung chuyển,cố gắng đưa đón người dân đi lại thật chu đáo. Sở GTVT TPHCM cung cấp phương tiện xe di chuyển tốt nhất để phục vụ hành khách.

Giám đốc Chi nhánh vận tải Sài Gòn, Đỗ Quang Văn cho biết, mỗi chuyến xe trung chuyển từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa và ngược lại điều cử nhân viên phục vụ chu đáo. Trong ngày hôm nay 20-3, dự kiến có khoảng 1.500 hành khách xuất phát từ ga Sài Gòn. Trưa 20-3, Trung tâm Vận tải Hành khách công cộng và Sở GTVT đã cho một số xe khách, xe buýt đưa khoảng 350 hành khách xuống ga Biên Hòa, sau đó hành khách sẽ tiếp tục lên tàu đi theo lịch trình. Đồng thời, những xe này sẽ đưa khách từ Biên Hòa về Sài Gòn. Tính đến đến tối nay, còn 4 đoàn tàu xuất phát từ ga Sài Gòn, đơn vị sẽ tiếp tục cho xe đưa hành khách của 4 chuyến tàu đi Biên Hoà để tiếp tục hành trình. 

Ga Biên Hòa đang trong tình trạng sẵn sàng đưa khách trung chuyển từ TPHCM ra Hà Nội. Ảnh: Đức Trung

Với sự cố này, ga Sài Gòn đề nghị hành khách nên mang theo hành lý đơn giản để tiện cho việc trung chuyển. Ga Sài Gòn vẫn bán vé bình thường, đến giờ chuẩn bị khởi hành sẽ có xe buýt đưa hành khách xuống ga Biên Hòa (Đồng Nai) để đi tàu. Tuy nhiên, thời gian có thể trễ hơn bình thường. Nếu hành khách không có nhu cầu đi tàu nữa có thể trả lại vé, không mất phí. Đây là sự cố ngoài ý muốn, có thể ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nên mong hành khách thông cảm. Theo ông Văn, trung bình mỗi ngày có 9 chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn với khoảng hơn 2.000 hành khách. Tại ga Biên Hòa sức chứa tối đa 3 đoàn tàu cùng một lúc và đảm bảo cho việc hành khách đi lại ở thời điểm hiện nay.

Ga Biên Hòa đảm bảo hành trình di chuyển cho hành khách

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, vào lúc 16 giờ chiều nay 20-3, tại Ga Biên Hòa, chuyến tàu SE7 hướng Bắc vào Nam đã dừng lại đây để đỗ khách đi TPHCM. Ở chiều ngược lại, chuyến tài SE22 xuất phát từ TPHCM đi Hà Nội lúc 12 giờ 5 phút đã dừng lại ở quận Thủ Đức (TPHCM), sau đó tổ chức đưa khách xuống Ga Biên Hòa đi ra Bắc bằng xe buýt.

Bà Nguyễn Thị Phượng, hành khách đi từ Ga Sài Gòn vào trưa nay trên tàu SE22 cho biết, do sự cố sập cầu Ghềnh, bà đã phải di chuyển xuống Ga Biên Hòa bằng xe buýt, do bên đường sắt hỗ trợ chi phí di chuyển. Theo lịch trình dự kiến, ngày 21-3, bà sẽ có mặt tại Ga Núi Thành (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Vào lúc 16 giờ 45 phút chiều 20-3, bà vẫn đang có mặt tại Ga Biên Hòa để tiếp tục di chuyển về miền Trung trên chuyến tàu SE7 vừa đỗ khách sẽ quay đầu ngược lại. “Dẫu có muộn thời gian, nhưng ngày mai tôi cũng về đến nhà bằng tàu lửa, tôi cũng thấy hài lòng” – bà Nguyễn Thị Phượng cho biết.

Sập cầu Ghềnh, đường sắt Bắc - Nam gián đoạn ảnh 3

Tàu SE7 đậu tại Ga Biên Hòa để đưa hành khách trung chuyển từ TPHCM đi Hà Nội. Ảnh: Đức Trung

Ông Nguyễn Đình Ân, Trưởng Ga Biên Hòa cho biết, các chuyến tàu đi chiều từ TPHCM ra Hà Nội gần như đã được thông báo dừng chuyến từ sớm, ngay sau khi có tin cầu Ghềnh bị sập. Những hành khách này sẽ được hỗ trợ chi phí để đi máy bay hoặc hoàn lại vé. Chỉ có một chuyến tàu đã xuất phát trước thời điểm được thông báo sự cố, hiện đang dừng ở địa phận phường Tân Vạn (TP Biên Hòa) lúc 13 giờ 30 để chờ được sắp xếp chuyến tàu tiếp tục hành trình ra Hà Nội, sau khi được vận chuyển bằng xe khách từ chỗ tàu dừng qua Ga Biên Hòa.

Trong chiều 20-3, các lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự, cơ động, dân phòng, Thanh tra GTVT của tỉnh Đồng Nai đã túc trực tại Ga Biên Hòa để hỗ trợ hành khách đi tàu xuôi ngược Bắc – Nam, cũng như giữ gìn an ninh trật tự sau khi xảy ra sự cố sập cầu Ghềnh.

16 giờ 30, ông Đặng Mạnh Trung, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Nai đã chủ trì cuộc họp báo để thông tin chính thức về vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm sập cầu Ghềnh.

Ông Đặng Mạnh Trung, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Nai chủ trì cuộc họp báo thông tin về vụ sập cầu Ghềnh. Ảnh: Di Thiên

Theo Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Nai, sự việc xảy trên ra vào lúc 11 giờ 30 ngày hôm nay 20-3, chiếc sà lan với đầu đẩy bằng gỗ chở vật liệu xây dựng khi sà lan lưu thông đến cầu Ghềnh hướng về Bình Dương thì va vào cầu, khiến mố cầu số 2 của cầu Ghềnh sập còn mố cầu số 3 bị rơi một phần xuống sông.

Sau vụ tai nạn đầu đẩy sà lan đã chìm xuống sông.

Rất may, khi vụ tai nạn xảy ra trên nhịp cầu số 3 có 3 xe máy lưu thông không bị rơi xuống sông, còn vướng lại trên cầu, những người đi trên 3 xe máy này đã tự leo lên khu vực an toàn. Còn 2 người trên sà lan đã đã nhảy xuống sông và được cứu, tuy nhiên 2 người này đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

Đến thời điểm này, qua tìm kiếm, các lực lượng tìm kiếm chưa phát hiện xác người dưới đáy sông.

Hiện nay, 2 bên đầu cầu Ghềnh bị mất điện, mất nước. Thiệt hại cụ thể chưa xác định được.

Hiện các cơ quan, ban ngành vẫn đang phối hợp tích cực để khắc phục sự cố này

16 giờ 20, Bộ GTVT cho biết, Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt chỉ đạo xử lý khắc phục vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, Cục Đường thủy nội địa VN và các cơ quan, đơn vị liên quan. Tổ công tác có nhiệm vụ xác định nguyên nhân, sơ bộ đánh giá, xác định mức độ hư hỏng cầu Ghềnh và chỉ đạo công việc liên quan đến khắc phục sự cố sập cầu. Tổ công tác đặc biệt cũng sẽ đề xuất các giải pháp ban đầu để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa, đề xuất và thẩm định các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục sự cố sập cầu…

16 giờ, Tổng công ty ĐSVN vừa có thông tin nhanh về vụ sàn lan đâm làm sập trụ cầu Ghềnh tại Đồng Nai. Theo đó, vụ đâm đã làm nhịp số 3 bị rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp số 2 đầu phía Nam rơi xuống sông, đầu phía Bắc rơi gác lên trụ số 1, chiếc sà lan bị lật úp trên sông. Thiệt hại về người và tài sản chưa được xác định. Nguyên nhân ban đầu được cho là do thuyền trưởng điều khiển xà lan đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông qua cầu Ghềnh.

15 giờ 40, ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang đang trên đường từ Hà Nội vào để chỉ đạo lực lượng ngành đường thủy phối hợp với các lực lượng chức năng khắc phục hậu quả vụ việc.

Cục Đường thủy cũng đã yêu cầu Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam thực hiện cấm luồng và tổ chức chốt giao thông, điều tiết giao thông đường thủy ở thượng lưu và hạ lưu cầu.

Sập cầu Ghềnh, đường sắt Bắc - Nam gián đoạn ảnh 5 

Sà lan bị lật úp sau khi đâm phải cầu. Ảnh: Đức Trung

15 giờ 30, lực lượng chức năng đang tiến hành khắc phục sự cố điện của trụ điện gãy đầu cầu (ảnh).

Ảnh: Di Thiên

15 giờ 15, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM Đại tá Lê Tấn Bửu cho biết, vừa tăng cường hỗ trợ 2 ca nô, 3 ô tô chuyên dụng cùng hơn 30 thợ lặn chuyện nghiệp, cán bộ chiến sĩ để hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn. HIện, lực lượng này đã xuất phát đến hiện trường.

Lực lượng cứu hộ đang thực thi nhiệm vụ. Ảnh: Đức Trung

14 giờ 55, Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Công an, UBND tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) yêu cầu khắc phục nhanh sự cố cầu Ghềnh (Đồng Nai) bị sà lan đâm sập.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia và Tổng Giám đốc Tổng công ty ĐSVN đã có mặt tại hiện trường phối hợp cùng lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, chỉ đạo các lưc lượng chức năng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn để làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, tổ chức cảnh báo, hướng dẫn giao thông đường sắt và đường thủy nội địa bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông qua khu vực, huy động tối đa các nguồn lực, khẩn trương sửa chữa những kết cấu bị hư hỏng, phục hồi tình trạng kỹ thuật để thông tuyến đường sắt Bắc Nam trong thời gian ngắn nhất.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, chỉ huy giao thông và khẩn trương điều tra xác minh nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật dẫn đến vụ tai nạn trên. Đặc biệt, Tổng Giám đốc Tổng công ty ĐSVN chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh phương án tổ chức chạy tàu phù hợp, đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông. Bên cạnh đó, phối hợp với các doanh nghiệp vận tải khác để điều chỉnh phương thức vận tải hợp lý, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho chủ hàng và đảm bảo lịch trình đi lại tốt nhất cho hành khách.

 Chuyển tải hành khách miễn phí giữa ga Biên Hòa và ga Sài Gòn

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Tổng công ty ĐSVN đã kịp thời phong tỏa khu gian và dừng chạy tàu khu gian Biên Hòa – Dĩ An, không để xảy ra thiệt hại về người và phương tiện. Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tàu hàng mang số hiệu 2502 đang chạy trong khu gian Biên Hòa – Dĩ An đã được nhân viên gác chắn ĐN km 1700+174 dừng tàu, đảm bảo an toàn.

Hiện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Tổng công ty ĐSVN đã có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức cựu hộ, cứu nạn và giải quyết sự cố.

Tổng công ty ĐSVN cũng đang họp bàn triển khai phương án tổ chức chạy tàu thay thế, đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại do sự cố gây ra. Trước mắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chuyển tải hành khách miễn phí từ ga Biên Hòa vào ga Sài Gòn và ngược lại.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN cho biết, hiện ngành đường sắt chưa thể tính toán được thiệt hại vì đây là tai nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới ngành đường sắt. Theo ông Hoạch, phương án tạm thời là sẽ vận tải khách bằng đường bộ đoạn giữa Biên Hòa và Sài Gòn. Toàn bộ chi phí ngành đường sắt sẽ phục vụ miễn phí cho hành khách. Riêng vận tải hàng hóa thì tàu chỉ chạy đến ga Biên Hòa.

Ngành Đường sắt cũng đang chờ phương án tiếp theo của Bộ GTVT về kế hoạch xây cầu tạm xử lý tạm thời tình huống hiện nay trong lúc chờ xây cầu mới vì cầu này đã sập hoàn toàn không biết khi nào mới khắc phục xong.

14 giờ 50, tại hiện trương có 3 chiếc xe được kéo lên, gồm các xe mang BKS: 60B1 22703; 60B1 -46797 và một xe máy cup 50 không rõ biển số.

Theo ông Nguyễn Quang Trí ngụ Phường Hiệp Hoà, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai người chứng kiến vụ việc kể lại là thời gian trên khi ông đang bán cơm thì nghe tiếng nổ lớn tiếp đó lại nghe tiếng đổ sập nên chạy xe ra xem thì thấy cầu sập, thấy 3 người (1 nữ và 2 nam) đang đu theo những thanh sắt của đường ray từ dưới nước lên bờ nên ông đã ra kéo họ lên.

14 giờ 20, có măt tại hiện trường, ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, hiện chưa xác định số người bị rơi xuống sông khi cầu sập. Nhịp cầu bị sập thuộc nhịp 2 và nhịp 3. Trong đó, nhịp 3 chìm xuống sông.

Sự cố khiến khu dân cư gần 2 đầu cầu bị mất điện, các cơ quan chức năng đang khăc phục điện nước cho người dân. “Tổng cục đường sắt, Bộ giao thông đang triển khai phương án để kịp thời cứu hộ cứu nạn”, ông Dũng nói.

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai cho biết, cho tới thời điểm này, chưa có trường hợp nào nhập viện, cấp cứu từ vụ sập cầu.

Theo nguồn tin riêng thì hiện tại thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đang trên đường đến hiện trường.

13 giờ 50, đại diện ngành đường sắt cho biết hiện có các chuyến tàu xuất phát từ Ga Sài Gòn từ trưa nay đều bị hoãn. Các chuyến tàu từ Hà Nội vào sẽ dừng ở ga Biên Hoà và toàn bộ hành khách và hàng hóa sẽ được vận chuyển bằng ôtô về TPHCM.

Những hành khách đi các chuyến tàu xuất phát từ Ga Sài Gòn từ trưa nay cũng được vận chuyển bằng ôtô về ga Biên Hoà để tiếp tục hành trình.

Ngành đường sắt đang cố gắng khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh để có thể thông tuyến trong thời gian sớm nhất.

Sập cầu Ghềnh khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn. Ảnh: Kim Tuấn

Sập cầu Ghềnh, đường sắt Bắc - Nam gián đoạn ảnh 9

Sập cầu Ghềnh, đường sắt Bắc - Nam gián đoạn ảnh 10

HIện trường sập cầu Ghềnh. Ảnh: Kim Tuấn

13 giờ 30, thông tin từ Bộ GTVT cho biết Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Vụ trưởng vụ An toàn giao thông của Bộ GTVT sẽ đi máy bay vào chỉ đạo tại hiện trường sập cầu Ghềnh trong chiều nay.

Theo ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, đã liên hệ với Bộ GTVT bàn phương án xây dựng cầu tạm bắc qua sông, thay thế cầu Ghềnh.

Hiện trường cầu Ghềnh bị sập. Ảnh: Di Thiên

13 giờ 30, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết cơ quan điều tra đã chính thức vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ sập cầu.

11 giờ 58, tại khu vực cầu bị gãy, phần cầu thuộc phường Quyết Thắng, một thanh sắt dài 8m cắm xuống sông, trên phần cầu còn lại vẫn còn vài chiếc xe máy của các nạn nhân. Trong khi đó, ở phần cầu thuộc phường Bửu Hòa, nhiều thanh ray đường sắt dài 15m đã cắm xuống sông. HIện, công an đang phong tỏa ở hai đầu cầu.

Theo thông tin ban đầu, người dân dùng thuyền nhỏ đã vớt được 2 người.

Ở phía đầu cầu thuộc phường Quyết Thắng một trụ điện trung thế bị ảnh hưởng của vụ tai nạn.

Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, nhịp cầu giữa đã rơi xuống sông, sà lan đang lật ngửa.  Nhiều người chạy xe trên cầu rớt xuống sông.

Hiện có rất nhiều ca nô và lực lượng cứu hộ đã có mặt để tìm kiếm người gặp nạn. Nhiều tàu thuyền của người dân cũng được huy động.

Cầu Ghềnh bị sập. Ảnh: Kim Tuấn

Ca nô của lực lượng cứu hộ đang tích cực tìm kiếm người gặp nạn. Ảnh: Di Thiên

Hiện trường cầu Ghềnh bị sập. Ảnh: Di Thiên

Trước đó, vào ngày 6-2-2011, đoàn tàu khách SE2 chạy hướng TPHCM - Hà Nội khi đến cầu Ghềnh (Biên Hòa, Đồng Nai) đã va chạm với 6 ôtô làm 2 người chết, hàng chục người bị thương.

Sau tai nạn, Thủ tướng yêu cầu khẩn cấp xây cầu đường bộ Bửu Hòa phía hạ lưu cầu Ghềnh nhằm tách cầu chung giữa đường bộ và đường sắt. Đến tháng 4-2013, khi cầu đường bộ Bửu Hòa đi vào hoạt động, Bộ Giao thông Vận tải đã cấm tất cả ôtô hai chiều và xe 2 bánh theo chiều phường Bửu Hòa qua trung tâm thành phố Biên Hòa.

Từ đó cho đến nay, người dân vẫn được lưu thông bằng xe 2 bánh qua cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát một chiều hướng trung tâm thành phố Biên Hòa qua phường Bửu Hòa theo kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai.

Cầu Ghềnh dài 223m thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - là 1 trong 2 cây cầu bắc qua sông Đồng Nai dẫn vào Cù lao Phố, do Pháp xây dựng vào năm 1902. Cầu dành cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô.

Sập cầu Ghềnh, đường sắt Bắc - Nam gián đoạn ảnh 17

Vị trí của cầu Ghềnh

Về người thiết kế cầu, có ý kiến cho là của kiến trúc sư danh tiếng Gustave Eiffel – cũng đồng thời là tác giả của tháp Eiffel nổi tiếng ở Pháp. Tại Việt Nam, ngoài cầu Ghềnh còn có 2 công trình kiến trúc khác do ông thiết kế là cầu Long Biên (Hà Nội) và cầu Tràng Tiền (Huế).

Sập cầu Ghềnh, đường sắt Bắc - Nam gián đoạn ảnh 18

Cầu Ghềnh. Nguồn: Báo Đồng Nai

D. THIÊN - S. NGUYÊN - B. QUYÊN - Q.HÙNG - Đ.TRUNG - N.HỮU

Tin cùng chuyên mục