Ào ạt thu gom rễ, lá cây bán cho thương lái

Thời gian gần đây, tại xã vùng sâu Kon Pne (Kbang, Gia Lai), vùng giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai, rộ lên việc tận thu rễ cây T’rưng, một loại cây lạ để bán cho thương lái. Mỗi ngày vào rừng, một người có thể kiếm được từ một đến vài trăm ngàn đồng. Tham gia “đội quân” đào rễ cây có không ít trẻ em đang độ tuổi đến trường. Còn tại Cam Lâm, Khánh Hòa, lá xoài, lá mía tự nhiên trở nên có giá…
Ào ạt thu gom rễ, lá cây bán cho thương lái

Thời gian gần đây, tại xã vùng sâu Kon Pne (Kbang, Gia Lai), vùng giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai, rộ lên việc tận thu rễ cây T’rưng, một loại cây lạ để bán cho thương lái. Mỗi ngày vào rừng, một người có thể kiếm được từ một đến vài trăm ngàn đồng. Tham gia “đội quân” đào rễ cây có không ít trẻ em đang độ tuổi đến trường. Còn tại Cam Lâm, Khánh Hòa, lá xoài, lá mía tự nhiên trở nên có giá…

  • Cả làng lên rừng tìm cây lạ

Đầu tháng 5, chúng tôi có dịp đến xã Kon Pne, huyện Kbang (Gia Lai). Thường ngày, vùng “ốc đảo” xa lắc này yên ả, vắng lặng. Nhưng bây giờ, không khí nhộn nhịp khác thường, đâu đâu cũng thấy bóng dáng người lớn và trẻ em mang gùi trên lưng, hối hả vào rừng.

Bà Đinh H’Liêu, một người dân sống ở trung tâm xã cho biết, gần 5 tháng qua có nhiều thương lái tìm đến các làng hỏi mua rễ cây T’rưng (tên do đồng bào địa phương tự đặt) với giá khá cao, nên nhiều gia đình đã bỏ nương rẫy, trẻ em bỏ học theo cha mẹ lên rừng đào rễ cây.

Người dân xã Kon Pne tận thu rễ cây T’rưng để bán cho tư thương.

Người dân xã Kon Pne tận thu rễ cây T’rưng để bán cho tư thương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi đào được rễ cây, bà con đem về bán cho thương lái. Rễ cây tươi được thu mua với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, phơi khô thì có giá đến 10.000 - 12.000 đồng/kg. Mỗi ngày vào rừng, một gia đình kiếm được vài trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng, nếu may mắn. Đây là khoản thu nhập khá cao đối với người dân ở vùng ốc đảo khô cằn, đầy sỏi đá này. Mặc dù ồ ạt vào rừng đào bới, nhưng khi hỏi đến công dụng của loại rễ cây này thì không người nào biết.

Ông H’Lúc, một trong những người đi tiên phong đào rễ trong những ngày đầu tiên, cho biết: “Cách đây không lâu, có mấy người đàn ông lạ đến làng, đưa cho chúng tôi một nhúm rễ cây và bảo chúng tôi vào rừng tìm, họ sẽ thu mua với giá cao. Chúng tôi hỏi mua để làm gì thì họ bảo để làm nhang, làm thuốc. Thấy kiếm được tiền là chúng tôi làm thôi, chứ xưa rày cây này mọc đầy trong rừng, có ai biết là cây gì đâu”. Cũng theo lời ông kể thì cây này thuộc họ cây leo, mọc ở nơi ẩm ướt trong rừng sâu, lá bằng 3 ngón tay, có trái màu xanh, vị chua, khi chín trái màu đỏ và có vị ngọt.

Việc thương lái thu mua rễ hồ tiêu ở Gia Lai chưa lắng xuống thì nay lại rộ lên phong trào “tận thu” rễ cây T’rưng. Thực hư công dụng, cũng như mục đích của việc thu mua của loại cây này chưa rõ ràng. Nhưng việc người dân bỏ nương rẫy, phá rừng đào bới rễ cây khiến cho các nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng cạn kiệt, là điều mà chính quyền các cấp huyện Kbang cần phải giám sát chặt chẽ và có biện pháp ngăn chặn.

Theo ông Văn Phú Bộ, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai), chuyện thu mua các loại lá, rễ cây T’rưng thời gian qua trên địa bàn tỉnh Gia Lai là không bình thường.

  • Lá mía, lá xoài có giá

Thời gian gần đây, tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) nhiều người dân ngạc nhiên vì chuyện lá xoài, lá mía, đọt mía khô được thu mua với giá khá cao. Theo tìm hiểu, việc thu mua lá xoài khô xuất hiện từ năm 2009 ở huyện Cam Lâm, với số lượng ít. Tuy nhiên, đến năm 2012 thì có hai công ty ở Hải Phòng và TPHCM về Cam Lâm thu mua lá xoài ồ ạt. Lá xoài khô thời điểm này được mua với giá 700 - 800 đồng/kg.

Công ty CP Thương mại và Cung ứng nguồn nhân lực Hải Bình (Hải Phòng) còn đặt vấn đề với chính quyền địa phương thu gom lá xoài khô để làm nguyên liệu trồng nấm, nhu cầu thu mua từ 3 - 5 tấn lá/ngày. Đầu năm 2013, có thêm một công ty từ TPHCM đến Cam Lâm tổ chức thu mua lá xoài khô. Họ móc nối với dân địa phương thu gom rồi bán lại cho doanh nghiệp để hưởng chênh lệch.

Theo giải thích của một số chủ thu gom, thì phía đơn vị thu mua bảo mua lá xoài để xuất khẩu sang Nhật làm phân bón. Ngoài ra, phía các công ty từ TPHCM còn yêu cầu thu mua thêm lá mía, đọt mía, nhưng người dân cũng không biết thu mua làm gì.

Trong mấy ngày qua, do được địa phương khuyến cáo người dân không nên ồ ạt thu gom lá xoài, lá mía nên tình hình thu gom đã lắng xuống. Theo người dân, lá xoài khô rụng xuống gốc cây đóng vai trò quan trọng trong việc tạo màu mỡ, giữ ẩm cho đất. Chính vì thế, người trồng xoài dồn lá khô rất dày quanh gốc cây để lấy đó nuôi cây, giảm chi phí phân bón, tưới nước. Tuy vậy, trường hợp lá xoài được thu mua với giá cao, trong khi năng suất, giá quả xoài thấp thì nguy cơ người dân đốn cây, chặt cành để bán lá có thể xảy ra, đó là mối nguy cho vườn xoài truyền thống của huyện Cam Lâm.

Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm Nguyễn Thị Thạnh cho biết, trước tình hình trên, huyện đã có văn bản yêu cầu các xã trên địa bàn nghiêm cấm người dân thu gom và bán lá xoài, nếu phát hiện sẽ xử lý. Riêng đối với lá mía, do cây mía đặc thù thu hoạch theo mùa vụ, nên việc thu gom lá mía chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, người dân có thể sử dụng lá, đọt mía sau thu hoạch cách nào thì tùy, sao có lợi về kinh tế.

Ngăn chặn việc khai thác cây T’rưng

Ngày 8-5, ông Võ Đình Chinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) cho biết: Sau một thời gian người dân xã Kon Pne và các xã lân cận (thuộc huyện Kbang) vào rừng để đào cây na rừng (người dân địa phương còn gọi cây T’rưng) về bán cho các thương lái trên địa bàn huyện, Hạt Kiểm lâm huyện đã có công văn gửi lên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời đang xác định loại cây này có nằm trong danh mục quý hiếm cấm khai thác hay không để có phương án xử lý.

Trước khi có chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh và kết quả cụ thể, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ban quản lý rừng, tuyên truyền, vận động người dân ngưng mọi hoạt động vào rừng khai thác loại cây này. Nếu xác định đây chỉ là lâm sản phụ, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang sẽ có những phương án để người dân khai thác theo đúng quy định của pháp luật, nhằm tránh trường hợp một số đối tượng lợi dụng để làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa xác định được mục đích thu mua của thương lái, cũng như công dụng của cây T’rưng.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục