3R gọi đầy đủ là: tiết kiệm, tái sử dụng và tái chế chất thải, nguyên liệu sản xuất. Hiện tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã bước đầu tiếp cận với giải pháp ứng dụng 3R ở các nhà máy sản xuất. Việc ứng dụng mạnh 3R không những giúp doanh nghiệp đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường mà còn thu lợi đáng kể nhờ tiết kiệm nguyên liệu sản xuất và giảm chi phí xử lý chất thải.
Tăng lãi ròng nhờ 3R
Theo ông Chalokeporn Phalajivin, Tổng giám đốc Công ty Giấy Vina Kraft, việc Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng 3R là rất cần thiết. Trên thực tế, việc áp dụng chính sách 3R giúp quá trình sản xuất của công ty luôn đảm bảo an toàn cho môi trường và tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tái chế giấy giúp giảm lượng giấy cần chôn lấp. Từ đó giảm được khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính thoát ra từ giấy phân hủy khi chôn lấp. Ngoài ra, tăng khối lượng giấy tái chế sẽ giúp giảm ô nhiễm không khí và nước, đồng thời giảm khối lượng chất thải rắn, tiết kiệm được một diện tích lớn đất dùng chôn rác. Hiện các nghiên cứu trên thế giới khẳng định, giấy có thể tái chế tới sáu lần trước khi chôn lấp hoặc đốt bỏ. Do đó, nếu chỉ sử dụng giấy một lần rồi vứt đi thì quá lãng phí.
Tuy nhiên, ông Chalokeporn Phalajivin cũng thừa nhận rằng, để có thể áp dụng giải pháp 3R thì vốn đầu tư cho công nghệ và con người là rất lớn. Tổng vốn đầu tư xây dựng công ty này khoảng 180 triệu USD. Trong đó, riêng chi phí đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có khả năng giảm thiểu tác động đến môi trường nước, không khí đã gần 838 tỷ đồng. Đó là chưa kể, công ty đầu tư kinh phí đào tạo 200 nhân viên chuyên ngành về lĩnh vực tái chế giấy vụn, sản xuất hóa chất, nguyên liệu thô, năng lượng và dịch vụ logistic…
Tương tự, Công ty Colgate-Palmolive vừa đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất bàn chải đánh răng lớn nhất Việt Nam. Đại diện công ty cho biết, nhà máy được xây dựng theo tiêu chí tiết kiệm năng lượng, sử dụng nước hiệu quả, giảm thiểu khí thải CO2 và sử dụng nguồn tài nguyên một cách có hiệu quả. Hiện nhà máy đã đăng ký chứng nhận thiết kế năng lượng và môi trường LEED® do Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ, một hệ thống chứng nhận công trình xanh uy tín trên toàn thế giới thực hiện.
Ông Nguyễn Vĩnh Long, Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất của Unilever Việt Nam khẳng định, tiêu chí đặt ra đối với Tập đoàn Unilever trong 10 năm tới, tập đoàn sẽ tăng lợi nhuận lên gấp đôi nhưng mức độ ảnh hưởng đến môi trường sẽ giảm xuống. Điều này không chỉ bắt buộc với những nhà máy của Tập đoàn Unilever trên toàn cầu mà còn với các nhà cung cấp nguyên liệu cho tập đoàn, tất cả vì trái đất không thể nhân đôi.
Cần cơ sở pháp lý cho 3R
Có thể nói, sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển bền vững của thế giới. Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế chất thải TPHCM khẳng định, thấy được tầm quan trọng của vấn đề trên, từ năm 2008, Chính phủ đưa 3R vào chương trình chiến lược bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rất rõ về tính hiệu quả của việc áp dụng 3R. Nhất là khi quy định bảo vệ môi trường được thắt chặt và giá nguyên vật liệu sản xuất không ngừng leo thang. Thế nhưng, ngoài những doanh nghiệp đầu tư mới thì những doanh nghiệp cũ hiện rất khó áp dụng 3R. Nguyên nhân do thiếu vốn đầu tư, thiếu thông tin về công nghệ và giải pháp khoa học.
Hiện Quỹ Tái chế TPHCM đang hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng 3R trong sản xuất. Nhưng do nhiều hạn chế về nguồn vốn nên việc hỗ trợ mới dừng lại ở mức thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp. Mặt khác, theo ông Khoa, để việc áp dụng 3R có thể phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong tình hình kinh tế hiện nay, nhất thiết phải tạo cơ sở pháp lý.
Tại Nhật Bản, để chương trình 3R đi sâu vào cuộc sống, Chính phủ Nhật đã ban hành 10 bộ luật liên quan đến vấn đề này. Trong đó, quy định doanh nghiệp phải sử dụng năng lượng tiết kiệm như thế nào, định mức thu hồi sản phẩm đã qua sử dụng… Để ngăn chặn ô nhiễm, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống thì 3R phải được sử dụng như một công cụ hữu hiệu. “Nước thải nếu không được xử lý đúng mức sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và sức khỏe của người dân. Thế nhưng ngược lại, nước thải được xử lý tốt có thể tái sử dụng để tái phục vụ sản xuất, tiết kiệm đáng kể nguồn tài nguyên nước” - ông Chalokeporn Phalajivin khẳng định.
Tập trung xử lý chất thải công nghiệp Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, năm 2010, TPHCM sẽ tập trung vào các giải pháp xử lý chất thải công nghiệp. Trong đó sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với cộng đồng. TP sẽ tập trung khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào việc xử lý chất thải rắn, thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào hệ thống kỹ thuật xử lý chất thải rắn. Từ đó, giảm chi phí công tác xử lý, xây dựng và vận hành bãi chôn lấp rác đến hết năm nay, sẽ có khoảng 50% khối lượng rác chế biến thành compost, 30% phân loại tái chế, 10% chôn lấp và 10% đốt phát điện. Riêng chất thải công nghiệp và nguy hại, trung bình mỗi ngày TP thải ra 1.900 – 2.000 tấn từ các cơ sở công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bệnh viện, trường học… việc thu gom, vận chuyển và xử lý do 32 đơn vị tư nhân thực hiện. Nhưng các đơn vị này lại hoạt động nhỏ lẻ, manh mún nên dẫn đến tình trạng lượng lớn chất thải đổ ra môi trường. Trước thực tế đó, TP sẽ triển khai xây dựng khu liên hiệp chất thải công nghiệp - chất thải nguy hại. Dự kiến năm 2015 sẽ đưa vào vận hành khu liên hiệp này. |
ÁI VÂN – HÀ HẢI