Ngày mai 25-8, thí sinh rớt nguyện vọng (NV)1 sẽ chính thức tham gia cuộc chạy đua xét tuyển NV2 để giành suất vào các trường. Không chỉ thí sinh hồi hộp mà các trường, với sức ép đảm bảo đủ chỉ tiêu, đã bằng đủ mọi cách xin Bộ GD-ĐT vận dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh (tăng điểm ưu tiên giữa các khu vực) để thu hút thí sinh. Thậm chí, ngay cả trường mang danh quốc tế tuyển sinh đào tạo theo chất lượng cao cũng được cho vận dụng Điều 33. Tất cả đang làm cho đợt xét tuyển NV2, NV3 trở nên náo loạn.
- Chạy đua xin... Điều 33
Kỳ xét tuyển NV2, NV3 năm nay khá căng thẳng vì nhiều trường khóc ròng khi xác định số thí sinh trúng tuyển NV1 quá thấp. Đứng trước thực tế này, hàng loạt trường ồ ạt xin Bộ GD-ĐT cho áp dụng Điều 33.
Đảm nhận việc đào tạo nguồn nhân lực cho toàn khu vực Tây Bắc và Đông Bắc, năm nào ĐH Thái Nguyên cũng lo không chỉ vì điểm thấp mà có rất nhiều thí sinh dự thi thuộc diện người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Kết quả tuyển sinh năm 2011 cũng tương tự mọi năm, hơn 2/3 các ngành có điểm trúng tuyển NV1 đều bằng điểm sàn. Hội đồng tuyển sinh ĐH này phải cầu cứu Bộ GD-ĐT cho vận dụng Điều 33 để nới điểm ưu tiên dành cho thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh miền núi phía Bắc. ĐH thông báo thí sinh thi vào những ngành thuộc khối ngành Nông - Lâm - Ngư hệ ĐH và CĐ (Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật) được áp dụng mục C khoản 1 Điều 33 của Quy chế tuyển sinh với mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 1 điểm cho những thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Và “phao cứu sinh” này xem ra hợp lý vì nguồn nhân lực cho khối ngành này đối với khu vực vùng núi phía Bắc có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong khi đó, tại khu vực ĐBSCL năm nay hàng loạt trường xin Bộ GD-ĐT cho áp dụng Điều 33. Lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh “3 chung”, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH An Giang phải xin Bộ GD-ĐT cho trường được áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh để hạ điểm chuẩn cho 3 ngành Khoa học cây trồng, Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản. Theo lý giải của nhà trường, một vùng đồng bằng có thế mạnh sản xuất nông nghiệp rất cần nhân lực kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt nhưng tiếc thay thí sinh ít ai chọn. Do đó, để cứu những ngành này, trường phải xin áp dụng Điều 33 nhằm tránh thiếu hụt nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển, hiện đại hóa nông nghiệp của tỉnh nhà và các tỉnh lân cận. Cùng với Trường ĐH An Giang, hàng loạt trường tại khu vực ĐBSCL như ĐH Trà Vinh, ĐH Tiền Giang, CĐ Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang… cũng xin vận dụng Điều 33.
Và danh sách các trường xin áp dụng Điều 33 trong năm nay được tiếp tục nối dài đến các trường như ĐH Tây Nguyên, CĐ Kinh tế Lâm Đồng và các phân hiệu của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. Ngoài ra, hiện nay có nhiều trường dù chưa được Bộ GD-ĐT cho áp dụng Điều 33 nhưng cũng rầm rộ thông báo, hạ điểm xét tuyển NV2 để thu hút thí sinh.
- Trường quốc tế cũng áp dụng Điều 33?
Chưa có mùa tuyển sinh nào các trường lại tranh nhau xin Bộ GD-ĐT được áp dụng Điều 33 như mùa tuyển sinh năm nay. Và khi lý do xem ra thỏa đáng nhất để được ưu tiên áp dụng Điều 33 (các trường ĐH vùng, các ĐH đóng trên địa bàn khó khăn trong tuyển sinh và cụ thể là các trường thuộc khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây Bắc) không còn thì các trường lại bám vào lý do phục vụ việc đào tạo nguồn nhân lực địa phương. Và trong đó có cả trường mang tên quốc tế, đào tạo theo mô hình chất lượng cao cũng xin áp dụng Điều 33.
Ngày 22-8, Trường ĐH Quốc tế Miền Đông (EIU) tổ chức tư vấn xét tuyển NV2 tại TPHCM và chính thức công bố được Bộ GD-ĐT cho áp dụng Điều 33 đối với thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Dương. Giải thích với thí sinh tại buổi tư vấn, TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng EIU, cho biết: “Sở dĩ trường được áp dụng Điều 33 là vì trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu nguồn nhân lực của các khu công nghiệp tại Bình Dương. Theo đó, thí sinh tại tỉnh Bình Dương được xét tuyển NV2 như sau: Điểm nhận hồ sơ xét tuyển khối A, D1 vào trường là 10 điểm (khu vực 1), 11 điểm (khu vực 2 nông thôn); 12 điểm (khu vực 2) và 13 điểm cho các khu vực còn lại. Khối B có điểm lần lượt từ 11, 12, 13 và 14 điểm cho các khu vực tương ứng như trên. Như vậy, theo như thông báo của trường, nếu thí sinh tại tỉnh Bình Dương tính luôn cả điểm ưu tiên chỉ cần đạt 8 điểm cả 3 môn thi khối A, D1 và 9 điểm cả 3 môn thi khối B là có thể trúng tuyển vào trường. Và như vậy, giữa đầu vào với mục tiêu đào tạo theo chương trình tiên tiến, chất lượng cao theo mô hình quốc tế để cung cấp nguồn nhân lực ở những ngành công nghệ cao cho sự phát triển của Bình Dương liệu có hợp lý khi phải xin áp dụng Điều 33 để vớt những thí sinh có điểm thấp như thế?
Một sự bất hợp lý nữa là tại Bình Dương không chỉ có mỗi EIU mà toàn tỉnh có đến 3 trường ĐH khác gồm ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Bình Dương, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương. Và cũng thật khó thuyết phục khi Bộ GD-ĐT cho EIU được áp dụng Điều 33 chỉ vì đảm trách nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà. Hơn nữa, trên đất Bình Dương còn có cả ĐH Quốc gia TPHCM và rộng hơn là hàng trăm trường ĐH khác tại TPHCM.
Không xa với Bình Dương, tỉnh Đồng Nai cũng có đến 4 trường ĐH (ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Đồng Nai và Phân hiệu Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tại Đồng Nai) nhưng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai và Trường ĐH Lạc Hồng cũng được áp dụng Điều 33 vì đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương.
Lời giải cho bài toán tuyển đủ chỉ tiêu cho các trường trong năm nay chính là cứ xin áp dụng Điều 33 với lý do hết sức chung chung là đào tạo nhân lực cho địa phương và Bộ GD-ĐT sẽ xem xét rồi sẽ cho! Và cứ thế, đến hẹn lại lên, các trường, nhất là những trường vừa nâng cấp, vừa thành lập, dù tuyển sinh không được nhưng năm sau vẫn cứ mở thêm ngành, tăng chỉ tiêu rồi lại xin ưu tiên, hạ điểm.
Việc Bộ GD-ĐT quá dễ dãi cho áp dụng Điều 33 sẽ dẫn đến thực trạng các trường ồ ạt tuyển những thí sinh không đủ năng lực học đại học. Hệ quả của việc này sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất, chất lượng đào tạo.
THANH HÙNG