Lý Tuyết dường như không tồn tại trên cõi đời này. Thực vậy, cô đang sống trong căn hộ của cha mẹ ở Bắc Kinh nhưng không có thẻ chứng minh hay giấy tờ đăng ký hộ khẩu. Không quan chức nào biết về sự tồn tại của cô trừ bệnh viện nơi cô sinh ra có ghi nhận ngày sinh và ra giấy phạt chưa đóng của gia đình cô.
Mặc dù đã 20 tuổi, Tuyết cho biết cô chưa bao giờ được đến trường, không thể mua vé xe buýt, không thể mua một số loại thuốc đòi hỏi phải có thẻ chứng minh và cũng không hề có bảo hiểm y tế. Tất nhiên, cô không thể tìm việc làm. Nguyên nhân chính là cha mẹ cô đã vi phạm chính sách một con và không đóng tiền phạt, nên cô không được hưởng các dịch vụ cơ bản nhất của xã hội.
Đó là một trong những tác động của chính sách một con tại Trung Quốc. Theo báo Guardian, chính sách từng được cho là biện pháp tạm thời nhưng đã kéo dài hơn 30 năm. Hậu quả là Trung Quốc phải đối diện với nhiều vấn đề như tình trạng nạo phá thai tăng nhanh, mất cân bằng giới tính ngày càng trầm trọng, gia tăng căng thẳng về kinh tế, tăng bi kịch trong gia đình...
Trong khi duy trì chính sách một con, vẫn xảy ra nhiều trường hợp lách luật. Nhiều cặp vợ chồng khá giả sẵn sàng trả tiền phạt để có thêm con. Năm 2012, một gia đình trả số tiền kỷ lục lên đến 1,3 triệu nhân dân tệ (gần 213.000USD). Nhiều gia đình chạy giấy tờ để hợp pháp hóa đứa con thứ hai trở đi, kể cả làm giấy tờ nhận con nuôi giả.
Các nhà phê bình nói rằng tỷ lệ sinh đã giảm từ trước khi chính sách một con ra đời. Dân số của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức cao nhất trong khoảng 10 năm tới với 1,45 tỷ người. Nhưng độ tuổi lao động giảm mạnh từ năm 2012. Tỷ lệ sinh sản chính thức hiện nay ở mức 1,7 con cho mỗi cặp vợ chồng. Một số thống kê khác cho rằng tỷ lệ này khoảng 1,5 - dưới mức 2,1 con cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Dư luận tại Trung Quốc đang bàn tán về một bản dự thảo mới đây cho rằng vào năm 2015 có thể Trung Quốc sẽ ban hành chính sách 2 con. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng sắp tới chính sách một con vẫn duy trì nhưng được nới lỏng, theo đó chỉ cho phép các cặp vợ chồng có thêm đứa con thứ hai nếu cha hoặc mẹ là con một. Một số ngành nghề nguy hiểm, chẳng hạn như khai thác mỏ, hoặc với những dân tộc ít người, có thể có hơn một con. Theo ông Lý Kiến Tân, giáo sư khoa dân số tại Đại học Bắc Kinh, lẽ ra chính sách này phải được thay đổi từ lâu và đã được mang ra bàn cãi suốt 20 năm qua nhưng Trung Quốc đã bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Theo ông Viên Hân, Viện Nghiên cứu phát triển dân số thuộc của Đại học Nam Khai, chính sách một con góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhưng tạo ra những vấn đề không thể lường trước vì quy mô dân số thay đổi quá nhanh. Theo ông, phải mất 75 năm Anh và Pháp mới có thể chuyển từ mô hình gia đình có 6 con sang gia đình 2 con. Trong khi ở Trung Quốc, điều này xảy ra chỉ trong 20 năm.
Dân số Trung Quốc đang lão hóa với một tốc độ đáng kinh ngạc, với một lực lượng lao động thu hẹp phải gánh vác số người phụ thuộc tăng chóng mặt. Nhiều người lo ngại thay đổi đã trở nên quá muộn.
KHÁNH MINH