Trong năm học mới này, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đối với học sinh - sinh viên thay đổi đột ngột, trong đó mức đóng tăng cao và thời gian đóng tăng lên 15 tháng. Vì sao?
Nỗi khổ… bán BHYT
Nhận được thông báo mức đóng BHYT bắt buộc cho con mình trong năm học mới này là 543.375 đồng, thay vì năm trước chỉ đóng 289.800 đồng/học sinh, nhiều phụ huynh lắc đầu và không hiểu vì sao mức thu tăng đột ngột như vậy. Với những gia đình có 2 hoặc 3 con đang theo học bậc tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông thì nỗi lo tăng gấp bội, bởi lẽ ngoài các khoản tiền trường, tiền đồng phục, sách vở… phải chi vào đầu năm học, khoản tiền đóng BHYT là gánh nặng không nhỏ. Chị Khánh Chi, nhà ở quận Bình Thạnh TPHCM, có hai con đang học lớp 8 và 10 bộc bạch: “Dù biết tham gia BHYT sẽ có lợi khi con cái ốm đau hoặc lỡ bị bệnh nặng cần điều trị dài ngày, nhưng trước mắt phải đóng số tiền không nhỏ cho hai con - trên 1 triệu đồng, gia đình tôi rất cân nhắc, đắn đo…”.
Nhiều phụ huynh khác thì ngán ngại và không tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh ở các bệnh viện quận, huyện. Không ít phụ huynh nói thẳng là nhiều năm tham gia BHYT cho con cháu nhưng chẳng mấy khi hưởng lợi từ việc này vì mua nhưng không dùng. Hoặc khi cần dùng thì thấy nhiêu khê, mất thời gian chờ đợi, chưa kể bị phân biệt đối xử khi dùng thẻ BHYT. Theo họ, lỡ con cái bị bệnh nhẹ, cảm cúm thì đưa đến bác sĩ tư, bệnh viện tư nhân cho tiện lợi, khỏi mất thời gian chờ đợi lẫn nghỉ học, do bệnh viện công đúng tuyến không giải quyết thẻ BHYT vào ngày nghỉ, buổi tối, trừ trường hợp cấp cứu.
Năm học mới, học sinh phải đóng BHYT với mức cao gần gấp đôi năm học trước
Theo nhiều hiệu trưởng, phần đông phụ huynh có tâm lý không muốn tham gia hoặc ngán mua BHYT cho con vì thấy chưa cần thiết, dịch vụ cung ứng, thủ tục khám chữa bệnh của thẻ BHYT chưa tiện ích, hấp dẫn. Tuy nhiên, ở những năm học trước, mức đóng thấp nên khi được giải thích rõ, phần đông chấp nhận tham gia. Còn năm nay, mức thu quá cao, thời gian đóng tăng thêm 3 tháng khiến nhiều người phân vân, thậm chí không muốn tham gia vì tiền BHYT ngang bằng tiền học phí của một học kỳ.
Thăm dò ý kiến của nhiều hiệu trưởng ở TPHCM, chúng tôi nhận được câu trả lời chung là “khi nghe phụ huynh chất vấn về khoản thu BHYT bắt buộc quá cao và than thở khó khăn về tài chính, trường nào cũng đau đầu, mệt mỏi”. Tuy nhiên, do quy định ràng buộc - xem đây là chỉ tiêu xét thi đua hàng năm, nên trường nào cũng bị áp lực phải vận động, thuyết phục phụ huynh, học sinh mua BHYT để đạt chỉ tiêu cao nhất. Và trách nhiệm bán BHYT để đạt ngưỡng 100% đang làm khổ giáo viên chủ nhiệm lẫn ban giám hiệu (!?).
Tại sao phải đóng mức cao?
Theo giải thích của bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM, học sinh - sinh viên thuộc nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT và trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh - sinh viên của TPHCM tham gia khá cao, đạt 86%. Mức đóng BHYT căn cứ vào mức lương cơ sở/tháng. Tuy nhiên, từ năm học mới này, theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1-1-2015, mức đóng của học sinh - sinh viên đã tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở/tháng (1.150.000 đồng). Sau khi được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% (tương đương 232.875 đồng), học sinh - sinh viên sẽ đóng trên 543.000 đồng cho 15 tháng.
Phụ huynh đưa trẻ khám tật khúc xạ tại Bệnh viện Mắt TPHCM. Ảnh: TRƯƠNG NGỌC
Vì sao phải bắt buộc đóng 15 tháng? Đó là căn cứ vào Thông tư 41 liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, trong đó quy định từ năm 2015 thu tiền tham gia BHYT theo năm tài chính chứ không theo năm học. Như vậy, nếu như trước đây thu theo năm học từ ngày 1-10 năm trước đến 30-9 năm sau (12 tháng) thì năm nay thu theo năm tài chính nên phải dồn thời gian thu lên 15 tháng (tức thu từ 1-10-2015 đến 31-12-2016). Từ năm 2017 sẽ thu bình thường theo năm tài chính là 12 tháng.
Trước thay đổi đột ngột về chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội TPHCM và Sở GD-ĐT TP đã có giải pháp tháo gỡ khó khăn chung như thế nào? Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Thu cho biết: “Hai cơ quan thống nhất, học sinh nào có điều kiện thì đóng một lần, còn khó khăn thì đóng làm hai lần. Cụ thể, lần đầu 6 tháng và còn lại 9 tháng”. Cũng theo bà Thu, học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo ở TPHCM thì không phải mua BHYT tại trường vì đã được cấp thẻ BHYT miễn phí theo diện hộ nghèo. Riêng học sinh - sinh viên thuộc hộ gia đình cận nghèo cũng không phải mua vì gia đình các em đã tham gia BHYT tại địa phương (chỉ đóng 30%, còn lại ngân sách TPHCM hỗ trợ 70%).
Không thể phủ nhận ý nghĩa nhân văn của chính sách an sinh xã hội khi tham gia BHYT. Ở lứa tuổi học sinh, các em hiếu động, dễ gặp tai nạn rủi ro và bệnh tật, ốm đau có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu không có BHYT thì sẽ thêm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh. Như thế, tham gia BHYT không chỉ cần thiết đối với học sinh - sinh viên mà còn góp phần chia sẻ rủi ro cho cộng đồng. Tuy nhiên, để mọi người tự nguyện gửi gắm niềm tin và không quay lưng với BHYT thì dịch vụ cung ứng, thanh toán, nhất là chất lượng khám chữa bệnh của BHYT phải được cải thiện, nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của người tham gia. Một khi mức đóng và hưởng công bằng, hợp lý thì việc tuyên truyền về chính sách BHYT sẽ hiệu quả nhất.
KHÁNH BÌNH