Tôi đưa em tôi, với ba lô và sách vở về Bình Dương, để em tôi tới trường thi đại học. Em tôi thi ở cơ sở Bình Dương, hơi xa nhưng tôi thấy vậy cũng hay, bởi người dân ở đây chân chất, giá bán thức ăn không chặt chém. Các cô bán trái cây ngoài chợ biết tôi đưa người thân đi thi, cứ dặn rằng thấy có thí sinh nào chưa tìm được chỗ trọ thì nói ghé nhà cô, cô cho trọ vài ngày miễn phí.
Tôi trọ ở đấy 3 ngày, thấy các khách trọ đều là thí sinh cỡ tuổi em. Từ đêm kia, các em đã bồn chồn, lo lắng, hơn 1 giờ sáng vẫn còn nghe tiếng dép loẹt quẹt ngoài sân và tiếng giở sách sột soạt. Buổi chiều, tôi hỏi chuyện các thí sinh chung trường thi với em tôi, em nào cũng đều bảo đang lo lắm. Ngành này điểm tuyển cao, mà ba mẹ chăm chút, đặt nhiều kỳ vọng, càng được chăm chút và kỳ vọng lại càng thấy áp lực: “Em sợ nhất không phải là lúc vào phòng thi, mà là lúc thi xong về bị hỏi làm bài chắc ăn không, em không biết trả lời sao...”. Cô bé gái trọ phòng bên cạnh cứ xoa hai bàn tay vào nhau, ôm khư khư tờ giấy ghi loạn xạ công thức toán, chia sẻ: “Em sợ thi rớt lắm, mang tiếng học sinh giỏi toán mà rớt thì muối mặt”.
Nghe các em tâm sự, tôi thấy cái áp lực vô hình kia đa phần xuất phát từ bên ngoài: sợ ba mẹ la, sợ bạn bè cười, sợ đủ thứ, mà cốt lõi nhất là vì sĩ diện. Các em không cảm nhận được rằng đây là cuộc thi của chính các em, một cuộc phân loại năng lực để xếp vào những ngôi trường vừa sức, những ngành nghề phù hợp (tất nhiên ngoại trừ việc các em chọn bừa, thi vào trường “có tiếng chút ít để lỡ rớt cũng đỡ xấu hổ” dù các em có thích ngành học đã đăng ký thi hay không). Các em quên rằng vẫn còn những lựa chọn nữa, như thi lại vào năm sau nếu thực sự có quyết tâm và đam mê. Ngoài ra, đại học cũng đâu phải con đường duy nhất để vào đời. Thực ra bắt đầu sớm hay muộn không quan trọng bằng việc có đến đích hay không.
Vẫn biết khi thi đại học, đậu - rớt là chuyện thường, nhưng thi rớt thì buồn không để đâu cho hết. Hiểu vậy, nên tôi muốn tâm tình với các em. Cách nay không lâu, thi đại học xong, tôi đã lo lắng nghĩ mình sẽ rớt, nên nhiều ngày nằm nhà trùm chăn, vừa tủi vừa giận bản thân không làm bài thi tốt, phụ lòng mọi người. Sau rồi tôi thấy có buồn cũng không được gì, điều nên quan tâm hơn là cần một sự chuẩn bị cho bước đi tiếp theo, đừng nghĩ tiêu cực rằng đời đóng cửa với mình. Tôi liệt kê những ngành nghề mình thích, những trường có tuyển ngành nghề lấy nguyện vọng 2, phù hợp với điểm dự trù và rồi bày tỏ nguyện vọng với gia đình. Trong nhà không ai nói gì, tất cả đều im lặng và u ám. Tôi đã rất khổ sở để vượt qua quãng thời gian đó, đối diện với thất bại của bản thân là sự đối diện khó khăn nhất, vừa thấy mình tồi tệ vừa thấy mình đáng thương, nhưng phải mạnh mẽ đi thẳng vào và vượt qua. Tôi kể lại chuyện này để thấy thi đại học cũng không phải trận chiến sinh tử, đừng đồng nghĩa việc thi rớt với việc mọi cánh cửa vào tương lai hoàn toàn đóng chặt với mình. Tôi không thích cụm từ “thi rớt đại học”, vì nói đúng ra phải là “thi rớt nguyện vọng”, ngày nay thiếu gì trường đại học mà bảo rớt, quan trọng là trường nào, chất lượng giảng dạy và học phí ra sao thôi. Các em hãy thôi suy nghĩ về những chuyện ngoài lề và không để cảm xúc lẫn lộn.
Sau một kỳ thi, các phụ huynh cũng đang lo lắng lắm nhưng hãy tạo không khí thoải mái nhất cho con em. Tôi vui khi thấy nhiều phụ huynh bây giờ hiểu tâm lý, có bác cứ dặn các phụ huynh khác rằng: “Đừng hỏi con mình có làm bài thi được không mà hãy hỏi là đề có khó không, mình phải đồng cảm với tụi nhỏ chớ. Mọi chuyện vẫn còn ở phía trước mà!”.
BÍCH NGUYỆT
(Đồng Xoài, Bình Phước)