Áp thấp nhiệt đới gây mưa to

(SGGP). – Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, sáng 6-9 vùng áp thấp giữa biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Chiều cùng ngày, ATNĐ ở 16 độ vĩ Bắc, 116 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa xấp xỉ 400km về phía Đông, cường độ cấp 6, giật cấp 7 - 8.

(SGGP). – Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, sáng 6-9 vùng áp thấp giữa biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Chiều cùng ngày, ATNĐ ở 16 độ vĩ Bắc, 116 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa xấp xỉ 400km về phía Đông, cường độ cấp 6, giật cấp 7 - 8.

Hôm nay 7-9, ATNĐ tiếp tục di chuyển hướng Tây Bắc, cắt ngang qua quần đảo Hoàng Sa, tiến vào ven biển các tỉnh khu IV và khu V. Tuy nhiên, khả năng ATNĐ mạnh lên thành bão là rất thấp. Chiều nay 7-9, ATNĐ đạt cường độ mạnh nhất, nhưng khi tiếp cận đảo Hải Nam sẽ suy yếu thành vùng thấp, sau đó di chuyển vào bờ.
 
Do ảnh hưởng của ATNĐ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có mưa to, lượng mưa từ 100 - 150mm, khu vực khác lượng mưa dưới 50mm như ven biển Bắc bộ - Thanh Hóa và từ Đà Nẵng trở vào Nam.
 
Trong một diễn biến khác, mưa tại các tỉnh miền núi phía Bắc từ đêm 3-9 đến ngày 6-9 đã đạt lượng phổ biến từ 100 - 200mm, một số nơi từ 200 - 300m, một số điểm xấp xỉ 400m.

Ngày 6-9, mưa ở Bắc bộ đã giảm, trong ngày hôm nay 7-9, mưa gần như chấm dứt tại khu vực này. Từ 5 - 7 ngày tới, khu vực miền núi chưa xảy ra mưa lớn, có mưa chỉ là cục bộ, nhỏ.
Các hồ khu vực Bắc bộ hiện đã đầy nước, có 16 hồ đang xả lũ xuống hạ du, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến hồ núi Cốc và hồ Cấm Sơn. Hồ núi Cốc mực nước đang ở mức 47m, cao hơn mực nước dâng bình thường là 0,8m, hồ đang xả lũ với lưu lượng 400m3/giây. Còn hồ Cấm Sơn, mực nước hiện tại là 66,77m, cao hơn mực nước dâng bình thường là 27cm... Hiện UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo chưa xả lũ để tránh ngập cho vùng hạ du.
 
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đề nghị, tại các tỉnh miền núi, lực lượng chức năng cần tập trung cứu nạn, giúp người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Còn trên biển tập trung thông báo cho tàu thuyền biết để tránh trú, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
 
Báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy PCLB-TKCN từ các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ và Tuyên Quang cho biết, đã có 24 người chết và mất tích, 16 người khác bị thương do mưa lũ gây ra từ ngày 3-9 đến 6-9. Ngoài ra, gần 2.000ha hoa màu, lúa bị thiệt hại. Tỉnh lộ 155 qua xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai bị sạt lở 20.000m3; đến 16 giờ ngày 6-9 mới thông xe tạm thời.

Một số tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập nước, sạt lở gây ách tắc tạm thời thuộc các huyện: Tuần Giáo (Điện Biên); Võ Nhai, Phú Lương (Thái Nguyên); Mường Tè, Nậm Nhùn (Lai Châu); Bắc Yên (Sơn La).
 
HẠ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục