Áp thấp nhiệt đới mới đe dọa Nam Trung bộ và Nam bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hôm nay (12-11), trên khu vực biển Nam Trung bộ lại xuất hiện một vùng áp thấp và đã phát triển nhanh thành áp thấp nhiệt đới mới.

(SGGP).- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hôm nay (12-11), trên khu vực biển Nam Trung bộ lại xuất hiện một vùng áp thấp và đã phát triển nhanh thành áp thấp nhiệt đới mới.

Hồi chiều qua, vị trí trung tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,9-13,9 độ vĩ Bắc, 112,3-113,3 độ kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ngãi-Khánh Hòa 390km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39-49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết, do áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển hoặc di chuyển chậm theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km, đồng thời tâm áp thấp không rõ ràng nên sẽ tạo mây, có thể sẽ gây mưa to và mưa lâu dài cho các tỉnh thuộc Nam Trung bộ, đồng thời ảnh hưởng rõ rệt tới các tỉnh Đông Nam bộ. Trong đó, các tỉnh thuộc Nam Trung bộ vừa mới trải qua những đợt mưa lũ liên tục lại đang đứng trước những ngày có mưa to đến rất to, lũ dâng trở lại.

Đồng thời, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió Đông Bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị-Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-, giật cấp 8- và có mưa dông mạnh. Biển động mạnh.

Do đó, hôm qua, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có công điện gửi chính quyền các địa phương nằm ven biển từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu: thông báo cho chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng, tránh; căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, các tỉnh chủ động cấm biển, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn; chỉ đạo sẵn sàng triển khai phương án đối phó với các tình huống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, kho tàng và các công trình đang thi công; chuẩn bị phương án sơ tán dân để đảm bảo an toàn về người và tài sản. 

V. PHÚC

- Thông tin liên quan:

>> Sụp gãy QL 1A đoạn qua Phú Yên: Tổng cục Đường bộ ban bố tình trạng khẩn cấp

>> Miền Trung: Sạt lở núi hàng loạt

Tin cùng chuyên mục