Áp thấp nhiệt đới suy yếu, khu vực Nam Biển Đông hình thành một vùng áp thấp khác

Chiều nay, 30-12, trên khu vực Nam Biển Đông hình thành một vùng áp thấp khác. Hồi 13 giờ ngày 30-12, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 7,5 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa (quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Đông Đông Nam.
Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia
Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia

Sáng sớm 30-12, áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông đã vượt qua miền Trung Philippines sau đó dịch chuyển nhanh về phía Tây Nam. Chiều nay, áp thấp nhiệt đới này đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Tây Nam Biển Xu-lu.

Trong khi đó, chiều nay, trên khu vực Nam Biển Đông hình thành một vùng áp thấp khác. Hồi 13 giờ ngày 30-12, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 7,5 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa (quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Đông Đông Nam.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 31-12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 7,8 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa (quần đảo Trường Sa) khoảng 130km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): toàn bộ khu vực Bắc và giữa Biển Đông (phía Bắc vĩ tuyến 8,0 độ Vĩ Bắc).

Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới trên Nam Biển Đông: cấp 3.

Áp thấp nhiệt đới suy yếu, khu vực Nam Biển Đông hình thành một vùng áp thấp khác ảnh 1 Ảnh mây vệ tinh. Nguồn: TTDBKTTVQG

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 01-01-2019, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 7,0 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 250km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 02-01-2019, vị trí tâm bão ở khoảng 7,0 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 180km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh và có khả năng kéo dài 3-4 ngày tới.

Ở vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động. Từ đêm mai (31-12), do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Bắc vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 9-10; biển động mạnh.

Tin cùng chuyên mục