APEC 2011: Thiết lập vòng cung chiến lược

Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm nay được tổ chức từ ngày 10 đến 13-11 (giờ địa phương) tại Hawaii (Mỹ). APEC lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, hứa hẹn sẽ bùng nổ nhiều cuộc thảo luận “nóng”.
APEC 2011: Thiết lập vòng cung chiến lược

Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm nay được tổ chức từ ngày 10 đến 13-11 (giờ địa phương) tại Hawaii (Mỹ). APEC lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, hứa hẹn sẽ bùng nổ nhiều cuộc thảo luận “nóng”.

  • TPP, nợ công châu Âu

Trong ngày khai mạc, APEC sẽ nhóm họp ở cấp bộ trưởng. Bộ trưởng Tài chính và Ngoại giao các nước sẽ tập trung thảo luận việc mở rộng các thị trường tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là thị trường lớn với gần 3 tỷ dân và chiếm đến 54% tổng sản lượng toàn cầu.

Đến ngày 12-11, 9 nền kinh tế thành viên: Mỹ, Australia, New Zealand, Việt Nam… kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận về việc thiết lập một vòng cung chiến lược gọi là Đối tác kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hơn 2 năm qua, các nền kinh tế thành viên APEC đã có 9 phiên họp để xây dựng một hệ thống đối tác chiến lược về kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Đây là một dự án hội nhập kinh tế gần như toàn diện giữa một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên vành đai Thái Bình Dương, từ Đông Á qua châu Mỹ. Mục đích của TPP là thông qua buôn bán tự do tiến tới phát triển kinh tế cho cả khối.

Cụ thể, qua các vòng đàm phán, Mỹ đề nghị nhiều điều khoản như minh bạch hóa thủ tục tiếp vận, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi lao động... Đây là những điều sẽ có lợi lâu dài cho các nền kinh tế thành viên.

Mỹ cũng kêu gọi nhiều nền kinh tế khác tham gia TPP, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc - 2 nền kinh tế lớn ở Đông Á. Nếu kết hợp thêm 2 quốc gia này, nhóm đối tác kinh tế chiến lược sẽ có trọng lượng hơn và mở ra nhiều cơ hội giao thương cho các nước.

APEC diễn ra một tuần sau Hội nghị thượng đỉnh G-20 bị phủ bóng đen bởi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Theo Reuters, nợ công sẽ lại một lần nữa là chủ đề nóng được đưa ra thảo luận tại APEC lần này. Các cuộc thảo luận tại APEC sắp tới đều thể hiện sự quan tâm về nỗi lo kinh tế tại châu Âu, nhất trí về sự cần thiết phải củng cố các nền kinh tế thành viên APEC để chống lại những tác động tiêu cực có thể đến từ châu Âu.

Bộ trưởng Tài chính Australia, ông Wayne Swan, đã kêu gọi các quốc gia thành viên APEC đoàn kết khi cho rằng các nền kinh tế APEC đã cảm nhận được “cơn gió lạnh” từ châu Âu.

Các chú gấu Teddy đại diện cho các vị nguyên thủ dự kiến tham dự APEC tại Thế giới Teddy ở Honolulu, thủ phủ của Hawaii.

Các chú gấu Teddy đại diện cho các vị nguyên thủ dự kiến tham dự APEC tại Thế giới Teddy ở Honolulu, thủ phủ của Hawaii.

  • Tham vọng “trở lại châu Á” của Mỹ

Giới phân tích cho rằng APEC sẽ là nơi Mỹ thể hiện rõ tham vọng “trở lại châu Á” của nước này. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có bài viết đăng trên tạp chí “Foreign Policy” số ra trong tháng này với đầu đề “Kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ”, trong đó khẳng định tương lai chính trị sẽ được quyết định ở châu Á, chứ không phải Afghanistan hay Iraq.

Sau khi chủ trì APEC tại Hawaii, Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ công du Australia và Bali (Indonesia). Ông Obama sẽ lần đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), chủ trì cuộc gặp lần thứ 3 các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN để thúc đẩy các sáng kiến hợp tác giữa Mỹ với các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù châu Âu vẫn là bạn hàng thương mại hàng đầu của Mỹ, song chuyến thăm châu Á lần này của ông Obama phản ánh sự coi trọng ngày càng tăng của chính quyền Obama đối với khu vực. Ông Obama muốn phát đi một thông điệp rằng, Mỹ muốn là một đối tác kinh tế đáng tin cậy và coi châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động nhất của thế giới trong nhiều thập kỷ tới, là khu vực mà ổn định và an ninh là tối cần thiết.

Vừa qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương Kurt Campbell cũng khẳng định, chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm tới sẽ là chuyển trọng tâm từ khu vực Trung Đông sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục