Theo AFP, cuộc họp của các bộ trưởng lương thực thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Niigata, Nhật Bản ngày 17-10 đã đưa ra Tuyên bố và Kế hoạch hành động Niigata, theo đó kêu gọi gia tăng sản lượng lương thực nhằm giúp gần 1 tỷ người trên thế giới đang bị đói.
Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh nhu cầu gia tăng hiệu quả thương mại và đầu tư cũng như cải thiện hệ thống phân phối để giảm tình trạng chết vì đói. Bản Tuyên bố chung viết: “Cuộc khủng hoảng giá lương thực thế giới năm 2007 và 2008 là lời cảnh báo về một nền an ninh lương thực dài hạn rất dễ bị tổn thương. Giờ đây, cần những hành động cụ thể để đảm bảo nuôi sống dân số thế giới trong tương lai”.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO), để đáp ứng nhu cầu của hơn 9 tỷ dân trên thế giới vào năm 2050, sản xuất lương thực phải tăng thêm 70% so với hiện nay. Các bộ trưởng cũng thống nhất rằng cần hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai đối với sản xuất lương thực trong bối cảnh khu vực APEC thường xuyên đối mặt với động đất và lũ lụt đe dọa nền nông nghiệp.
Ngoài ra, các bộ trưởng cũng kêu gọi đẩy nhanh việc hoàn tất vòng đàm phán tự do thương mại Doha cũng như mở rộng thỏa thuận thượng đỉnh APEC 2008 đến năm 2011 nhằm hạn chế các hàng rào mới về đầu tư, xuất khẩu và mậu dịch. Các bộ trưởng cũng đồng ý một loạt biện pháp như hợp tác nghiên cứu, chia sẻ thông tin về an ninh lương thực, báo cáo những tiến bộ đạt được về các mặt hợp tác này lên hội nghị cấp bộ trưởng hàng năm. Ngoài ra, các nền kinh tế thành viên APEC cần hợp tác xúc tiến thương mại nông sản, đảm bảo sự tin cậy của thị trường, chuẩn bị môi trường kinh doanh thuận lợi và đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời cần xúc tiến đầu tư một cách có trách nhiệm vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, bảo vệ bản quyền...
Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng dẫn đầu đã có các buổi làm việc với một số đối tác là thành viên của APEC nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
T.Vũ