Tình nguyện viên quốc tế phục vụ Hội nghị cấp cao APEC (SOM II)

Thân thiện, năng động, nghiêm túc

Thân thiện, năng động, nghiêm túc

Xuất hiện ở cửa “sân bay”, hai vị khách quốc tế đến dự SOM II tại TPHCM được ngay một tình nguyện viên (TNV) chào đón từ cửa. Nhiệt tình hơn, TNV còn giành cầm giúp cái cặp Samsonite ngay trên tay khách. Khi vị khách người Hàn Quốc bảo muốn về khách sạn ngay, TNV sốt sắng đi gọi taxi giúp ông.

Đó là một tình huống thực tập. Vũ Tú Thành, thành viên Ban thư ký APEC VN 2006, trong vai ông khách “bị giành” cái Samsonite và vị khách Hàn Quốc là bạn Lê Hoàng Việt, sinh viên năm 2 Trường Les Roches (dạy về quản lý nhà hàng khách sạn ở Thụy Sĩ) đang về thực tập tại VN.

Thân thiện, năng động, nghiêm túc ảnh 1
Các tình nguyện viên đang thực tập tình huống. Ảnh: PH.TH.

Nhiều “hạt sạn” được nhặt ra trong không khí thảo luận sôi nổi. “Không được giành cầm cặp tay của khách, mà chỉ nên giúp khách đẩy xe hành lý gửi; bởi trong cặp tay có nhiều tài liệu quan trọng và đồ dùng quý giá; tự dưng, mình “áp sát” giành cầm ngay cặp tay như thế dễ khiến khách… phát hoảng. Còn nữa, bạn nên tự giới thiệu ngắn về mình, hỏi thăm sức khỏe họ sau chuyến bay dài chứ không nên mới gặp đã nói “tràng giang đại hải” ngay… Lỡ họ có chuyện… cần hỏi thì biết chen vào chỗ nào? Khách đến là có xe của ban tổ chức đón, đâu cần gọi taxi” - Tú Thành nói.

Sau khi được các thầy cô trong khoa và Đoàn trường xác nhận hồ sơ dự tuyển, các sinh viên bắt đầu cuộc tuyển chọn gắt gao từ sự “động não” của họ về các nội dung như sau: Bạn có thể trình bày bằng tiếng Anh và Việt những đặc điểm về: kinh tế, văn hóa, xã hội VN nói chung, TPHCM nói riêng? Bạn biết gì về APEC VN 2006, về SOM II? Một tiêu chuẩn khác mà các TNV lần trước “không cần” có – Bạn hiểu biết gì về “cơ hội vàng” của VN trong APEC 2006 - sự kiện đối ngoại quan trọng nhất mà VN từng tổ chức? Tiêu chuẩn chọn sau đó là khả năng ứng xử, sức khỏe và ngoại hình là các tiêu chuẩn được tuyển chọn cũng khá gắt gao.

Vỹ Anh, vừa tốt nghiệp khoa Xây dựng ĐH Bách khoa TPHCM, Trưởng ban điều hành CLB Tình nguyện viên quốc tế của Thành đoàn, đưa ra nhận xét rất “chuyên nghiệp”: “Ở SEA Games, các TNV cần nhanh nhẹn, hoạt bát và có vẻ xì-po càng tốt, nhưng ở lần này, các hội nghị có tính chất quan trọng, đối tượng là các quan chức cấp cao do vậy TNV cần có kiến thức rộng và chắc, phải có bề ngoài lịch sự, ứng xử lịch thiệp và thông minh. Khó khăn hơn, nhưng rất hấp dẫn!”, cậu ta cười ý nhị.

Đa Thức, sinh viên năm 2, khoa Quản trị kinh doanh (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM), từng là chiến sĩ Mùa hè xanh, lần này cậu là một nhóm trưởng. Theo Thức, nếu ở các chiến dịch Mùa hè xanh, sinh viên tham gia cần sự năng động, sức khỏe và tính hòa đồng và hầu hết các việc làm đều có đồng đội chung tay thì lần này, đòi hỏi sự ứng xử cá nhân trong hầu hết mọi tình huống, đòi hỏi sinh viên tham gia phải thân thiện nhưng lịch lãm.

Lê Xuân Trúc, sinh viên năm 2 khoa Quản trị kinh doanh ĐH Quốc tế, 1 trong 30 “sĩ quan liên lạc” lần này, nói “có những việc, nếu không dặn trước, mình sẽ gặp sai phạm ngay” - đó là chỉ làm những việc mà bộ trưởng yêu cầu, không tự gợi ý giúp họ việc gì. Để chọn được nụ cười thân thiện “rất Việt Nam”, Trúc đã tự tập cười nhiều kiểu trước gương. Và, từ khi biết mình được chọn là 1/30 sĩ quan liên lạc, giúp đỡ các Bộ trưởng, Xuân Trúc còn tự tập phong thái sao cho nhẹ nhàng nhưng thật nhanh gọn.

Còn Khưu Minh Thịnh, cũng là sinh viên năm 2 của ĐH Quốc tế, lần đầu tiên tham gia cuộc chơi nghiêm túc dành cho sinh viên đó là: “Qua sự tham gia lần này mình biết được điểm mạnh - yếu của mình ở đâu để tự hòan thiện mình và đây cũng là lúc mình biết mình sẽ làm được gì cho đất nước, trong phạm vi bé xíu của công việc”. Một sinh viên của ĐH Kinh tế bộc bạch: Học cả năm không bằng tiếp cận thực tế với các đề tài liên quan đến kinh tế một lần như ở SOM II. Em rất vui và rất hãnh diện được trở thành TNV quốc tế đấy”.

Tất cả 145 TNV được chọn từ 500 sinh viên dự tuyển, đến từ 4 trường ĐH: Kinh tế, Ngoại thương, Khoa học xã hội-Nhân văn và Quốc tế đã sẵn sàng phục vụ cho SOM II với tinh thần thân thiện, nhiệt thành, năng động nhưng nghiêm túc, bởi mỗi TNV đều hiểu rằng, họ đang khắc họa chân dung giới trẻ VN trong mắt các vị khách quốc tế.

Vũ Tú Thành, thành viên Ban thư ký APEC 2006, người tuyển chọn mà cũng là nhà sử dụng nguồn nhân lực trẻ lần này, nhận xét: “Các TNV ở SOM II chất lượng khác hẳn SOM I (vừa được tổ chức ở Hà Nội - PV), các bạn trẻ ở TPHCM chuyên nghiệp, năng động hơn và các bạn đều là đoàn viên TNCS tự nguyện tham gia và được tuyển chọn khá kỹ. Trong khi ở SOM I, TNV được Ban thư ký APEC 2006 chọn theo danh sách từ một nguồn: ĐH Quan hệ quốc tế nên họ thụ động hơn. Tôi tin, lực lượng TNV sẽ làm hài lòng các vị khách tham dự SOM II lần này, và đây sẽ là ấn tượng tốt về TP Hồ Chí Minh trong lòng các vị khách tham dự SOM II”.

Tổng kiểm tra việc tổ chức phục vụ Hội nghị cấp cao APEC tại TPHCM

Trong 2 ngày 17 và 18-5, Ban Tổ chức Hội nghị APEC TPHCM đã tổng kiểm tra toàn diện việc tổ chức phục vụ Hội nghị cấp cao APEC sẽ diễn ra tại TP (từ 22-5 đến 3-6-2006).

Sau khi kiểm tra tại chỗ các điểm khách sạn phục vụ hội nghị, công tác bảo vệ an ninh, trật tự giao thông, chỉnh trang đô thị các tuyến đường và khu vực trung tâm TP và diễn tập xử lý tình huống, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Thường trực và đồng chí Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành, các quận thực hiện ngay một số việc. Cụ thể như: giao cho Sở VH-TT khẩn trương hoàn tất sơn, sửa lại hàng rào che chắn, trang trí chậu hoa, cờ phướn, biểu ngữ APEC ở khu vực Công viên 23-9, khu đầu đường Hai Bà Trưng, dọn sạch gọn hơn khu vực nhà tập thể phía sau Nhà hát TP… Lãnh đạo TP cũng chỉ đạo các Tiểu ban An ninh, Hậu cần, Lễ tân lưu ý việc điều hành, xử lý thông tin liên lạc thông suốt; bố trí phòng trực cho bộ phận y tế ở các khách sạn; phối hợp với UBND quận 5 lo chỗ đậu, điều hành xe của các đại biểu đến dự tiệc tối tại khách sạn Windsor…

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường phục vụ Hội nghị cấp cao APEC, Sở Giao thông – Công chính TPHCM vừa có thông báo tạm ngưng thi công tất cả các công trình đào đường trên địa bàn thành phố trong thời gian từ ngày 20-5-2006 đến hết ngày 2-6-2006. Chủ đầu tư các công trình đào đường có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị thi công đang đào đường và tái lập mặt đường, khẩn trương dọn dẹp vệ sinh khu vực công trường, tái lập lại toàn bộ các đoạn đường đang thi công và trả lại nguyên trạng mặt đường trước ngày 20-5-2006. Đ.T- P.T.-H.V.

PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục