Có rất nhiều lý do khiến Arsenal không thể thắng ở trận này và lý do lớn nhất chính là Sunderland đã chơi một trận trong thế của kẻ đứng bên bờ vực. Nhìn cách HLV lão luyện Advocaat khóc sau trận đấu thì biết. Đá với 1 đội như vậy đâu có dễ để thắng.
Thủ thành Pantilimon đã chơi một trận để đời với 4-5 pha cứu bóng xuất sắc, kể cả những cú đá nối “cực quái” của Giroud ở phút 55 hay pha thoát xuống sút chéo góc của Theo Walcott phút 78. Với chỉ 24% thời gian kiểm soát bóng của Sunderlnad, không có gì bất ngờ khi trong số 28 cú sút của Arsenal thì chỉ có 8 lần bóng đi đúng hướng. Sút nhiều là đương nhiên, quan trọng là sút không chính xác khi mà vừa có khoảng trống hay nhấc chân lên thì ngay lập tức 3-4 cái bóng áo xanh xộc đến như muốn… đè bẹp.
Với người hâm mộ, Sunderland đá như vậy là bình thường, cái bất thường là dù chỉ có khoảng 4-5 lần phản công trong trận đấu nhưng đến 3 lần tiền đạo vào thay người Steven Fletcher đối diện với thủ thành Ospina và nếu như không có tài năng của người gác đền này thì Arsenal đã thủng lưới. Nếu xét về tính chất của các cơ hội thì Sunderland hơn hẳn bởi họ gần như chỉ cần thêm một chút may mắn là sẽ ghi được bàn trong khi các tình huống của Arsenal thì kể cả khi vượt qua Pantilimon vẫn còn đó những trung vệ như O’Shea, Jones phá ra trước vạch cầu môn.
Jack Wilshere (trái, Arsenal) trước sự bám sát của tiền đạo Jermain Defoe (Sunderland).
Hơn nữa, các cơ hội của Sunderland đều tập trung ngay ở khoảng thời gian mà họ bị Arsenal dồn ép, bắn phá liên tục nhất trong phần lớn thời gian đầu hiệp 2. Điều này có nghĩa, Sunderland không bị Arsenal ép đến mức toàn diện mà họ chủ động đá phòng ngự để chờ chực cơ hội phản công.
***
Thật ra, một trận đấu kiểu như thế này cũng khó phân định rõ năng lực của từng đội, nhất là cách tiếp cận trận đấu của mỗi bên khác nhau quá xa. Như Sunderland, họ rất dễ đá, còn Arsenal thì phía trước là trận chung kết Cúp FA, danh hiệu mà họ buộc phải có được sau khi đã không thể cán đích ở vị trí á quân.
Nhưng nói đi thì phải nói lại, không thắng Sunderland thì chắc gì thắng Aston Villa ở ngày 30-5. Từ nay đến đó hãy còn quá nhiều thời gian và lẽ ra, các kiểu trận đấu với Sunderland hay với West Brom cuối tuần này sẽ là đợt tập dợt quan trọng do Aston Villa “cùng một giuộc”, kiểu gì cũng sẽ đá phòng thủ - phản công.
Như thế, trận hòa với Sunderland khác gì một thất bại. Đây là trận thứ 3 liên tiếp, là trận thứ 4 trong 5 trận gần nhất, các chân sút của Arsenal không thể ghi bàn dù có đến 19 cầu thủ Arsenal đã góp công trong mùa bóng này, bao gồm cả 4 hậu vệ thường xuyên đá chính. Điều này lại khiến người ta nhớ đến việc huyền thoại Thiery Henry “chê” tiền đạo Giroud là không xứng tầm và thúc giục ông Wenger mua ngay một tay săn bàn đẳng cấp. Rồi hơn ai hết, chính HLV Wenger phải thừa nhận: “Chúng tôi không có vẻ gì là sẽ ghi được bàn thắng ngay cả khi có đến 28 cú sút, luôn có cái gì đó thiêu thiếu ở khâu tấn công”.
Những con số thống kê đã giải thích giúp ông Wenger: Ngoài 4 trận gần đây không ghi bàn, trong mùa giải này chỉ có 3 trận đấu là Arsenal không đưa được bóng vào lưới đối phương, 1 trong trận thua Chelsea 0-2 và 2 trận đấu khác tại Champions League, tất cả đều nằm ở đầu mùa giải. Rõ ràng, sau khi tìm ra đội hình chuẩn, đặc biệt là ở khâu phòng thủ khi chỉ để thủng lưới 4 lần trong 8 trận gần nhất thì đột nhiên Arsenal lại bị hỏng hóc ngay tại khâu mà họ vẫn luôn tin rằng mình luôn tốt. Trước đây, người ta giải thích việc Arsenal khởi đầu quá chậm tại giải ngoại hạng cũng như bị loại khỏi Champions League là vì chơi phòng ngự quá kém, thì đến nay, không lẽ lại “đổ thừa” cho khả năng bị trắng tay là do không thể ghi bàn?
Như thế thì còn gì gọi là “đội bóng cân bằng nhất trong 1 thập niên qua” nữa.
Đăng Linh