ASEAN chung tay bảo vệ môi trường biển

ASEAN chung tay bảo vệ môi trường biển

Môi trường biển cũng là một tài nguyên, vì thế hợp tác đa phương, tìm ra các giải pháp đồng bộ và phối hợp hài hòa giữa các nước ASEAN để bảo vệ môi trường biển chính là bảo vệ nguồn tài nguyên biển. Đó là nội dung chính của cuộc họp Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và đới bờ (AWGCME) lần thứ 12 diễn ra tại TP Nha Trang - Khánh Hòa ngày 17-6.

Cùng hành động

Cuộc họp của Nhóm AWGCME lần này (diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-6) nhằm đánh giá tiến độ đạt được của các nước thành viên trong lần họp thứ 11. Đồng thời xem xét các sáng kiến đề xuất của Chủ tịch và các nước thành viên, đưa ra kết luận của cuộc họp lần thứ 12 và phân công thực hiện tiếp tục. Đặc biệt, Ban Thư ký ASEAN phụ trách về môi trường biển và vùng ven bờ sẽ cập nhật các thông tin liên quan và thông báo tổng hợp về tình hình thực hiện ở cấp khu vực.
 
Khu vực ASEAN có tổng chiều dài bờ biển khoảng 173.000km (chiếm 11% tổng chiều dài bờ biển thế giới), các hệ sinh thái biển và ven biển rất phong phú, đa dạng, trong đó hệ sinh thái san hô chiếm 30% toàn thế giới và nằm trọn trong vùng tam giác san hô thế giới, với trung tâm là vùng biển Indonesia và Nam Philippines; rừng ngập mặn chiếm khoảng 35% toàn thế giới.

Theo đánh giá, biển và vùng ven bờ ASEAN cung cấp các dịch vụ sinh thái, kinh tế, xã hội, nguồn thực phẩm, năng lượng cực kỳ quan trọng cho các nước thành viên trong khu vực và bảo đảm sinh kế cho gần 600 triệu người dân sống trong khu vực. Theo thống kê, lượng cá biển của khu vực ASEAN chiếm 17% tổng sản lượng cá biển thế giới và xuất khẩu thủy sản chiếm 20%. Do đó, vùng biển ASEAN được xem là trung tâm toàn cầu về hệ đa dạng sinh học biển nhiệt đới.

Trong thời gian qua, biển đã đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế của ASEAN. Tuy nhiên, ASEAN đang đương đầu với không ít khó khăn, thách thức liên quan đến bảo vệ môi rường, bảo tồn và phát huy tài nguyên biển; việc sử dụng và khai thác tài nguyên biển, ven biển thiếu bền vững tiếp tục gia tăng, kéo theo đó là biến đổi khí hậu với việc nước biển đang dâng lên tại vùng biển, vùng bờ ASEAN.

Thực tế cho thấy, hệ sinh thái biển ven biển và đới bờ đang bị phá hủy. Chính vì thế, các nước ASEAN luôn ưu tiên và rất chú ý đến hợp tác về bảo vệ, quản lý hiệu quả cũng như bảo toàn chất lượng các hệ sinh thái tài nguyên biển, vùng ven bờ nội khối.

Vì lợi ích chung

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chủ tịch Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và đới bờ, nhận định: Nền tảng của phát triển chính là tài nguyên và môi trường. Trong quan điểm phát triển, môi trường được xem là nguồn vốn. Môi trường được hiểu theo hai nghĩa: môi trường tự nhiên và môi trường dân sinh. Nhưng dù góc độ nào, trong tư duy phát triển của mỗi nước, môi trường phải được xem là một yếu tố.

Không chỉ là yếu tố mục tiêu mà phải là yếu tố đầu vào trong phát triển. Do đó, ở một góc độ nhất định, môi trường được xem là tài nguyên. Cho nên, khi nói đến bảo vệ môi trường biển và đới bờ, cần hiểu là chúng ta đang giữ một nguồn vốn của tự nhiên về tài nguyên thiên nhiên, về môi trường cho sự phát triển lâu dài của một quốc gia và của cả khu vực.
 
Trong 9 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp rất lớn trong việc chung tay bảo vệ môi trường chung. Cụ thể, Việt Nam đã đưa ra những ý kiến tư vấn thông qua các diễn đàn của ASEAN về môi trường biển và đới bờ; xây dựng các dự án đề xuất thực hiện trong ASEAN. Nổi bật là xây dựng các cơ chế chính sách liên vùng ASEAN để bảo vệ môi trường biển trong thời gian qua.

Trồng rừng ngập mặn để bảo vệ môi trường biển đang được Việt Nam triển khai sâu rộng.

Trồng rừng ngập mặn để bảo vệ môi trường biển đang được Việt Nam triển khai sâu rộng.

Tại cuộc họp lần này, Việt Nam tiếp tục cập nhật nội dung đề xuất về biến đổi khí hậu và các vùng bờ ASEAN: những tác động và thích ứng của Việt Nam, đề nghị hoàn thiện đề xuất này và tìm nguồn tài trợ với sự phối hợp của Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu.

Trong cuộc họp lần này, vấn đề hợp tác đa phương để giải quyết vấn đề môi trường và đới bờ là nội dung trọng tâm. Đây cũng là nguyên tắc mà Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi trong giải quyết các vấn đề môi trường và những vấn đề biển nói chung. Hợp tác đa phương không chỉ nói đến nỗ lực của các thành viên ASEAN mà còn thể hiện những nỗ lực chung của các tổ chức trên thế giới. Hợp tác đa phương là bài học thành công về cách tiếp cận, quản lý biển và đới bờ của ASEAN, cũng như trong giải quyết những vấn đề lớn hơn, rộng hơn trên khu vực biển Đông.
 
Theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Sự đóng góp của các quốc gia trong ASEAN cho các hoạt động bảo vệ môi trường biển và đới bờ còn hạn chế, mặc dù nền kinh tế ASEAN chủ yếu đi lên từ biển và đây là đặc thù khu vực. Biển có vai trò và tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế các nước trong khối ASEAN. Do đó, vì lợi ích chung của toàn khối, các nước cần có sự liên kết chặt chẽ, tạo dựng những nguồn lực thiết yếu để bảo vệ, phát huy những giá trị của biển một cách bền vững, vì mục tiêu các bên đều có lợi.

V. NGỌC

Tin cùng chuyên mục