ASEAN tăng ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp

Sáng 2-8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) đã khai mạc trực tuyến, mở đầu cho chuỗi hơn 20 hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến

Tại hội nghị, thảo luận về ứng phó và phục hồi sau đại dịch, các bộ trưởng nhấn mạnh cần đẩy mạnh hợp tác về vaccine. ASEAN cần tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine. Hoan nghênh đóng góp của các nước ASEAN và đối tác cho Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN, các nước đề nghị khẩn trương triển khai kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường vaccine, kho dự phòng vật tư y tế ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp cũng như Khung phục hồi tổng thể ASEAN.

Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các bộ trưởng nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại với Anh và quan hệ Đối tác theo lĩnh vực với Brazil. Hội nghị hoan nghênh và chấp thuận đề nghị tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của Hà Lan, Hy Lạp, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Oman và Đan Mạch, tiếp tục khẳng định các nguyên tắc và giá trị của TAC trong duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực. Các bộ trưởng đã trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, Trung Đông. Các nước khẳng định mong muốn của ASEAN, hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn, tìm kiếm giải pháp cho những phức tạp hiện nay vì lợi ích của người dân. 

Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khẳng định Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của Chủ tịch Brunei trong thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng. Trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh, bộ trưởng chia sẻ ý nghĩa thiết yếu của vaccine, đề nghị ASEAN tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác với các đối tác, nhất là trong mua sắm và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trước tác động kinh tế - xã hội nặng nề của đại dịch Covid-19, hơn bao giờ hết, ASEAN cần phát huy mạnh mẽ nội lực của một cộng đồng tự cường và gắn kết, khẳng định vai trò và trách nhiệm với chính sự phát triển của khu vực. Do vậy, phát triển tiểu vùng là một phần không thể tách rời của tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, có ý nghĩa quan trọng đối với các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển và phục hồi sau dịch bệnh. Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực và có trách nhiệm vào quá trình xây dựng Tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau 2025, đồng thời cảm ơn sự ủng hộ của các nước đối với sáng kiến tổ chức Diễn đàn hợp tác tiểu vùng cuối năm nay. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng chia sẻ quan ngại về diễn biến phức tạp tại các điểm nóng ở khu vực như bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và cùng với đó là các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, biến đổi khí hậu. 

Chiều cùng ngày, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tham dự các hội nghị Hội đồng cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN (APSC), Hội đồng điều phối ASEAN, Ủy ban khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và phiên đối thoại với các đại diện Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR).

Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 29, các bộ trưởng đã thông qua nhiều sáng kiến như xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, ứng phó Covid-19 và phục hồi kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, nâng cao năng lực ứng phó với thảm họa thiên tai và tận dụng các cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời thông qua và ghi nhận nhiều văn kiện/ báo cáo quan trọng, trong đó có Điều khoản tham chiếu (TOR) thành lập Nhóm đặc trách cao cấp và Lộ trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị nhanh chóng dùng 10,5 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 để mua vaccine cho các nước. Bộ trưởng cũng yêu cầu việc đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, một trong những kết quả chính của năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, cần được đảm bảo triển khai hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục