ATM tiếp tục quá tải

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường các biện pháp để bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ ATM trong năm 2011. Tình trạng trục trặc, hết tiền tại máy ATM những ngày cao điểm cuối năm đã tái diễn lại, dù trước đó nhiều ngân hàng đã chuẩn bị phương án đối phó.
ATM tiếp tục quá tải

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường các biện pháp để bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ ATM trong năm 2011. Tình trạng trục trặc, hết tiền tại máy ATM những ngày cao điểm cuối năm đã tái diễn lại, dù trước đó nhiều ngân hàng đã chuẩn bị phương án đối phó.

  • Liên tục hết tiền

Nhiều ngân hàng thương mại thừa nhận, những ngày gần đây liên tục nhận những cuộc điện thoại khiếu nại của chủ thẻ về tình trạng hết tiền của các máy ATM, dù ngân hàng đã tăng cường tiếp quỹ gấp 2-3 lần so với ngày bình thường. Đặc biệt, trên nhiều địa bàn cả nước một số máy ATM của các ngân hàng thương mại như VCB, VietinBank, VIB… thông báo tạm ngưng sử dụng do hết tiền.

Chị Nguyễn Hồng Trang, nhân viên văn phòng ngụ tại quận 7 TPHCM cho biết, do gần nhà không có máy ATM nên tranh thủ kết thúc ngày làm việc chị chạy ra máy ATM của Vietcombank ở quận 1 rút tiền thưởng cơ quan vừa chuyển vào tài khoản thẻ của chị tại Vietcombank. Nhưng đến nơi bỏ thẻ vào mới thấy máy báo hết tiền. Chị phải chạy lòng vòng trung tâm thành phố kiếm đến máy thứ ba của Vietcombank mới có thể rút tiền.

Chị Trang cho biết, ban đầu tính rút tiền tại hệ thống ATM của ngân hàng khác nhưng rồi lại quyết định không làm do sợ hệ thống liên ngân hàng trục trặc, trước đây có lần rút kiểu này chị đã bị mất tiền oan và phải làm thủ tục lằng nhằng mất 2 ngày mới có thể lấy được tiền. Do làm việc trong giờ hành chính, nên chị cũng không thể đến quầy ngân hàng rút trực tiếp cho an toàn và nhanh chóng.

Sử dụng máy ATM tại một siêu thị trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: KIM NGÂN

Sử dụng máy ATM tại một siêu thị trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: KIM NGÂN

Ngoài ra, một trong những điểm nóng “kẹt” hệ thống ATM trong thời điểm này là các Khu công nghiệp, khu chế xuất. Công nhân các KCN-KCX thường tập trung rút tiền vào cùng một thời điểm (tan tầm, tan ca) tại các máy ATM tại nơi làm việc, nên gây ra tình trạng quá tải. Một lãnh đạo của Vietinbank cho biết, có thể do cuối tuần nhu cầu rút tiền tăng cao nên một số máy ATM chưa kịp tiếp quỹ. Nếu địa điểm ATM của ngân hàng thường xuyên có sự cố kéo dài, khách hàng có thể báo về bộ phận khách hàng để ngân hàng có biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Lý giải về việc nhiều máy ATM hết tiền, một lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, do gần đây có nhiều vụ trộm cướp ATM nên nhiều ngân hàng cũng cẩn trọng giảm lượng tiền tồn quỹ trên máy để hạn chế bớt rủi ro, thay vào đó sẽ tăng vòng quay tiếp quỹ lên để có kiểm tra máy ATM nhằm đảm bảo an ninh. Có thể do điều này dẫn đến nhiều máy ATM thông báo hết tiền khi nhu cầu rút liên tiếp tăng cao.

  • Gồng mình tiếp quỹ

Trong công văn mới của NHNN về bảo đảm chất lượng dịch vụ ATM có yêu cầu, các đơn vị cung cấp dịch vụ thẻ cần tăng cường kiểm tra tình hình hoạt động thiết bị, đường truyền để đảm bảo hệ thống hoạt động tốt trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, NHNN nhấn mạnh các ngân hàng thương mại cần đảm bảo tiếp quỹ đầy đủ cho các ATM, khắc phục các sự cố xảy ra, xử lý nhanh các thắc mắc, yêu cầu rà soát của khách hàng.

Ông Lê Trí Thông, Phó tổng giám đốc DongABank cho biết, trong những ngày tết, lượng tiền tại máy ATM sẽ được DongABank nạp nhiều hơn 4-5 lần so với ngày thường và định kỳ nạp 2 lần/ngày. Đội ngũ nhân viên nạp tiền cơ động tại 220 điểm giao dịch của DongABank sẽ thường xuyên kiểm tra và nạp tiền ngay khi lượng tiền trong máy chỉ còn 20%. Các hộc tiền dự phòng cũng luôn được nạp sẵn để cho công tác tiếp quỹ được nhanh hơn. Đặc biệt, NHNN đã cho phép DongABank thí điểm dịch vụ ATM lưu động đến ngày 30-6-2011, là cơ hội để ATM phục vụ khách hàng ở những điểm nóng về ATM như đối tượng công nhân, người dân tại những khu dân cư, khu vui chơi trong dịp tết.

Một lãnh đạo của Vietcombank TPHCM cho biết, tại Vietcombank có phần mềm quản lý cùng màn hình theo dõi để chủ động tiếp quỹ khi máy sắp hết tiền và xử lý khi máy ATM trục trặc (kẹt tiền, hết nhật ký, hỏng hóc…). Tuy nhiên, dù đảm báo máy ATM có đủ tiền, nhưng ngân hàng cũng không thể cam kết rằng khách hàng không phải chờ đợi khi mà lượng khách hàng tăng nhiều lần trong cùng một thời điểm. Bởi thực tế có nhiều ngân hàng đẩy mạnh công tác phát hành thẻ, nhưng lại không đầu tư ATM nên một số ngân hàng lớn như Vietcombank, DongABank… phải gánh thêm một lượng lớn khách hàng khác, dễ dẫn đến quá tải tại các máy ATM.

Nhiều ngân hàng thừa nhận, thói quen rút tiền mặt trên máy ATM của người dân khó có thể thay đổi một sớm một chiều, vì vậy cứ đến kỳ lương thưởng cuối năm, lắp bao nhiêu ATM cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu rút tiền của người dân. 

TÚ - NGA

Tin cùng chuyên mục