Xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) vừa “nói lời chia tay và không hẹn ngày gặp lại” với Chương trình 135. “Phát súng” đầu tiên của 1 trong 43 xã thuộc chương trình này của tỉnh Quảng Ngãi sẽ mở đường cho các xã khác tiếp tục nối bước. “Ba Dinh xin hoàn thành, khép lại chương trình cũng là để mở ra cơ hội cho những xã khác còn nghèo hơn” - Chủ tịch UBND xã Phạm Thành Lương chia sẻ.
Đổi thay!
Ba Dinh là xã vùng cao của huyện Ba Tơ giáp ranh với huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum. Gần 100% dân số là đồng bào dân tộc H’re. 10 năm trước, 5.000 nhân khẩu nơi đây luôn đói cái bụng; cái chân muốn đi đâu phải luồn rừng, lội suối; sống du canh du cư, nay đây mai đó lên núi đào củ mì và theo triền sông, suối bắt cái tôm, con cá để kiếm cái ăn.
Thế rồi Chương trình 135 về với bản làng. “135 là gì, ngày nớ, mình đâu có biết. Chỉ biết là nếu đi tập huấn, đem keo giống về ươm, khai hoang vỡ hóa trồng mía… sẽ được nhận tiền. Nhưng nhận tiền rồi lại đem đi uống rượu, chứ có để làm gì đâu”, già làng Phạm Văn Diếc, từng 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND xã Ba Dinh, nay là Bí thư Đảng ủy xã kể. Ngừng một lát, ông lại tiếp: “Nhưng nghĩ mình làm chủ tịch, không gương mẫu, không đi đầu thì làm sao bà con biết mà làm theo. Vậy là tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng mía, trồng keo, chăn nuôi do Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư huyện tổ chức. Chuyển từ 3ha lúa rẫy sang trồng mía, phát cây dại trồng keo, xây chuồng trại nuôi gần 20 con heo… ngay năm đầu tiên đã có lãi thấy rõ”. Gương già Diếc làm giàu cứ thế râm ran theo từng quả đồi của Ba Dinh lan đến các bản làng.
Ông Phạm Văn Giũa, ở tổ 8, làng Tà Diêu, thôn Làng Măng 5 năm trước đói liên miên, năm nào xã cũng cấp gạo ăn cho từ 3-6 tháng. Nhà nghèo, đông con, lại say khướt ngày qua ngày. Vậy nhưng, 5 năm trở lại đây, cuộc sống của ông Giũa đã khác. Ông Giũa được giao hơn 2ha, được cấp giống mía, keo tai tượng về trồng. Cán bộ huyện xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật ươm trồng, chăm sóc.
Năm đầu tiên, ông Giũa thu về gần 5 triệu đồng tiền lãi, dần rồi lên 10 triệu, 20 triệu và bây giờ mỗi năm đều đặn 30 triệu đồng. Cái đói, cái nghèo cũng từ đó “quảy gánh ra đi”. Từ nguồn vốn 135, những con đường mở ra đến đâu, đời sống người dân đổi thay tới đó. Con cái những gia đình H’re được đến lớp, học cao và bước những bước chân vững chắc vào giảng đường đại học. Ông Phạm Văn Đua khoe: “Nhà mình có một đứa con trai đang học Đại học Giao thông - Vận tải TPHCM đấy. Cũng nhờ cái 135 giúp vốn, khai hoang hơn 3ha trồng mía nên có cái ăn, cái để, có tiền cho nó đi học”.
Tự lực cánh sinh
“Chương trình 135 giai đoạn 2 (135-II) từ 2006-2010, xã mình nhận được gần 12 tỷ đồng, dùng cho việc nhân rộng chuyển mô hình lúa rẫy sang lúa nước 2 vụ; tổ chức cho bà con đi tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật trồng keo; hỗ trợ cây con giống, máy móc nông cụ sản xuất… Nhờ vậy, năng suất lúa tăng từ 29 tạ/ha lên 44 tạ/ha; thu nhập bình quân đầu người trên 3,5 triệu/năm; sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 330kg/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 59% xuống còn 25%...”, Bí thư Đảng ủy Phạm Văn Diếc không cần sổ sách nói một hơi.
|
“Từ Chương trình 135-II, 55.000 cây keo được ươm rồi giao cho bà con trồng, chăm sóc và thu hoạch; diện tích mía được khai hoang, vỡ hóa gần 350ha, mỗi vụ (năm) sản xuất cung cấp cho Nhà máy đường Phổ Phong khoảng 20.000 tấn mía. Riêng thu nhập từ mía, với giá bán bình quân các năm 750.000 đồng/tấn (năm nay giá 1 tấn =1 triệu đồng), 5 năm qua, Ba Dinh đã thu về 15 tỷ đồng, chia cho 1.042 hộ, hàng năm mỗi hộ cũng đã có nguồn thu gần 150 triệu đồng”, Phó Chủ tịch xã phụ trách Chương trình 135-II Phạm Văn Xíu bấm máy tính khoe ngay. Cây mía cho hiệu quả cao, sao không mở rộng diện tích? “Năm 2011, xã có kế hoạch khai hoang thêm 150 ha nữa để trồng mía, số vốn đó từ ngân sách của xã, chứ không phải từ Chương trình 135-II nữa đâu” - ông Xíu lại khoe.
“Không phải ngẫu nhiên chúng tôi lấy 300ha của Ba Dinh để thực hiện Dự án hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía trên đất gò đồi huyện Ba Tơ với 80% hộ nông dân người H’rê tham gia. Nhìn vào hiệu quả niên vụ đầu tiên thu hoạch từ 60- 65 tấn/ha, đạt 10 chữ đường, tăng gấp đôi so với phương pháp canh tác mía truyền thống (45-50 tấn/ha), lợi nhuận mang lại cho các hộ dân trong vùng dự án khoảng 7 tỷ đồng/năm, mới thấy hướng đi của Ba Dinh là đúng”, điều ông Lợi nói đã xua tan đi thắc mắc của tôi cũng như cái âu lo của Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Lương: “Ra khỏi 135 đã mừng rồi. Nhưng vẫn còn những trăn trở làm sao để nó (Chương trình 135-PV) không quay lại với dân của mình nữa”.
HÀ MINH