Ba Năm của những mảnh đời kém may mắn

Ba Năm, đó là cách gọi thân thương, trìu mến từ tận đáy lòng của hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ đã được ông Năm cưu mang. Tôi hỏi sao gọi là “ba Năm”, những đứa trẻ ngày ấy giờ đã là người thành đạt như anh Khang nói: Không biết tự lúc nào mà sâu thẳm trong tận đáy lòng của chúng tôi đã thốt lên tiếng gọi thân thương ấy!

Có lẽ, tấm chân tình của một người đàn ông hào sảng, tấm lòng chân ái đã lay động đến sự cảm mến của chúng tôi. Vậy là tiếng gọi “ba Năm” không chút sượng sùng đã được thốt lên.

Ấp ủ một hoài bão lớn

Người dân trong tỉnh Bến Tre đã truyền tai với nhau về vị nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Huỳnh Văn Cam, người sống mẫu mực, giàu lòng nhân ái, nhiệt huyết và rất có trách nhiệm với xã hội. 

Chúng tôi chạy xe máy một mạch về Bến Tre, dẫu đoạn đường từ trung tâm của TP Cần Thơ đến đó không hề gần. Cứ nghĩ sẽ rất dễ tìm nhà ông, nhưng không phải vậy. Ông sống trong căn nhà cấp 4, đường vào là một con hẻm nhỏ nằm trên đại lộ Đồng Khởi, TP Bến Tre. Chúng tôi hỏi tên của ông nhưng chẳng ai chỉ đúng. Đến khi hỏi nhà của ba Năm, hay Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Hội), thì rất nhiều người biết. Có người hướng dẫn chúng tôi tỉ mỉ: đi thẳng gần cuối hẻm, nhìn bên tay phải có hàng rào trồng rất nhiều bông giấy là nhà của ba Năm”. 

Ba Năm của những mảnh đời kém may mắn ảnh 1 Ông Huỳnh Văn Cam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, còn được biết đến với bút danh Lê Huỳnh (là tác giả của vở cải lương nổi tiếng Cây dừa đỏ)
Ông Năm từ trong nhà đi ra, dáng người cao, bước từng bước chân chậm chạp, đôi tay run run. Ông tiếp chuyện chúng tôi bằng giọng trầm ấm: “Mấy nay trong người không khỏe nên ở nhà chứ không là đến Hội”.

Hiện có đoàn bác sĩ Thụy Điển đang khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo trong tỉnh tại Phòng khám Nhân Thiện (thuộc Hội) mà ông là người tổ chức, kết nối.

Dù nay đã ở tuổi 80, nhưng ông Năm sẽ không vui khi những “đứa con bất đắc dĩ” đang ở nơi nào đó chưa được đưa đi mổ tim giành lại sự sống, hay có được nụ cười rạng rỡ sau khi phẫu thuật hở môi - hàm ếch, hoặc trẻ mồ côi sống lang thang cơ nhỡ, người tàn tật chưa được đưa về tổ ấm của Hội.

“Tôi xuất thân từ gia đình nghèo, ba của tôi bị giặc giết, còn mẹ già bệnh qua đời trong gia cảnh khó khăn. Từ đó, tôi có sự đồng cảm đặc biệt với những người nghèo, kém may mắn cần sự giúp đỡ của xã hội. Từ lúc tham gia kháng chiến, hoạt động trong đoàn văn công của tỉnh cho đến khi kinh qua nhiều vị trí trong chính quyền tỉnh, tôi luôn ấp ủ một hoài bão là cố gắng làm thế nào giải quyết đời sống của bà con nghèo, người kém may mắn được tốt hơn”. Vì lẽ đó, đến khi nghỉ hưu, ông tiếp tục làm công tác thiện nguyện. 

Kết nối xuyên châu lục

Kể chúng tôi nghe những ký ức chưa trọn vẹn, nhưng qua những ký ức ấy, chúng tôi thấy đâu đó cái duyên của một tấm lòng thiện nguyện xuyên châu lục.

Những ngày ông Năm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đã xuất hiện mối “lương duyên” giữa ông với bà Akemi Bando, Tổng Thư ký của Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam của Nhật Bản.

Trong một lần về Bến Tre, bà Bando cùng ông Năm đến những vùng quê hẻo lánh của tỉnh. Bà Bando đã vô cùng xúc động khi chứng kiến trong số 9.000 người bị khuyết tật, có đến hơn 2.000 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam.

Hình ảnh này tương tự quê hương của bà, nơi cũng gánh chịu một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Bà thốt lên trước khi lên máy bay về nước: “Tôi không có tiền, nhưng tôi sẽ trở lại giúp ông”.

Một thời gian sau, bà Bando đã vận động được 9.000USD (một số tiền khá lớn vào những năm 1990). Kể từ đó, Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật đi vào hoạt động. Đây là mái nhà ấm áp của trẻ bại liệt, khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển và trẻ mồ côi lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước đây.

“Từ đó những lớp trẻ em kém may mắn được học tập trong ngôi trường này đã đỗ đạt, thành tài, như thằng Khang, con Thủy… giờ đã là giáo viên, thạc sĩ, tiến sĩ của những ngôi trường danh giá nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Năm nhớ như in.

Rồi sau những chuyến công tác tại Nhật Bản, ông Năm gặp được ông Nagato Natsume, giáo sư, tiến sĩ y khoa của Nhật Bản (thuộc Hội Hở môi - hàm ếch Nhật Bản). Trái tim nhân ái của 2 người đàn ông đã mở đầu cho một chương trình mổ hở môi - hàm ếch, mang lại nụ cười rạng rỡ cho hàng ngàn trẻ em.

Ông Năm không thể nhớ hết những chương trình thiện nguyện biến ước mơ thành hiện thực mà ông đã làm. Ngập ngừng thật lâu, ông kể, những năm tỉnh còn nhiều hộ nghèo, ông đã vận động xây dựng phòng khám bệnh và chữa bệnh cho trẻ em nghèo, sau này là Phòng khám đa khoa Nhân Thiện (đối diện Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, TP Bến Tre).

Ông đệ đơn xin thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Bến Tre. Hội được thành lập với 10 hội viên là những y, bác sĩ giỏi, có thâm niên, đã nghỉ hưu. Lòng nhân nghĩa của ông Năm đã thôi thúc họ tự nguyện sát cánh cùng ông giúp đỡ những người kém may mắn. 

Ông Vũ Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực của Hội, mô tả lại hình ảnh ông Năm sau chuyến đi thực tế tại các vùng quê của tỉnh: “Anh Năm bàng hoàng, đau xót lắm khi có tới hàng trăm trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh cần phẫu thuật kịp thời.

Anh Năm kể cho tôi một trường hợp làm anh ray rứt cho đến tận hôm nay. Đó là cháu Nguyễn Lê Yến Nhi, sinh năm 2003, bị tim bẩm sinh rất nặng vào lúc mới 9 tháng tuổi. Mẹ cháu bế cháu đến Hội kêu cứu, nhưng lúc đó Hội không có tiền. Thế là mẹ con về nhà nằm chờ, rồi khi Hội vận động được tiền để mổ tim thì cháu đã qua đời”. 

Những năm 1990 đến những năm đầu của thế kỷ 21, Hội đã giúp cho hơn 18.000 người thoát cảnh mù, mờ mắt, phẫu thuật cứu sống 750 người bệnh tim, cấp học bổng cho trên 8.000 sinh viên, học sinh khuyết tật, mồ côi có hoàn cảnh khó khăn... Tổng số tiền lúc đó là hơn 200 tỷ đồng. Ông Năm là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Itoga của Nhật Bản, vào năm 2002.

Tre già măng mọc

Những gì ông Năm làm đã tác động sâu sắc đến nhận thức của những mảnh đời kém may mắn ngày đó. Anh Đỗ Tấn Khang (xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) là một trong những nhân vật đặc biệt được ông Năm cưu mang, đã vượt lên số phận và đã hoàn thành luận án tiến sĩ tại Nhật Bản vào năm 2017. Hiện anh Tấn Khang đang là Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học và phân tử, Trường Đại học Cần Thơ.

Anh kể, lúc 3 tuổi anh bị bệnh sốt bại liệt, một chân đã mất chức năng sinh hoạt. Sự mặc cảm và bao nhiêu hy vọng như vụt tắt. Tuy nhiên, sau khi vào học tại Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật “ba Năm đã xoa dịu những mặc cảm tự ti và khiếm khuyết của những đứa trẻ bất hạnh như tôi. Ba Năm thật sự như người cha ruột thứ hai sinh ra tôi”.

Thành đạt, anh Tấn Khang luôn đóng góp một phần sức mình cho Hội bằng cách vận động quỹ học bổng cho sinh viên, trao học bổng cho những sinh viên là người Bến Tre có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP Cần Thơ.

Chị Trần Thị Thủy cũng là lứa học sinh đầu tiên của Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Giáo dục đặc biệt, chị Thủy về giảng dạy tại Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật của tỉnh Bến Tre, tiếp tục đóng góp sức mình cho những mảnh đời kém may mắn như chị.

Trong thâm tâm của chị, ba Năm là ân nhân, là người cha, người thầy đã dạy dỗ chị ăn học nên người. Nếu có phép màu, điều ước đầu tiên chị ước là “cầu mong ba Năm được khỏe mạnh, để chúng con được báo hiếu cho ba sau những tháng ngày vất vả vì chúng con”.

Ông Huỳnh Văn Cam (ảnh), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, còn được biết đến với bút danh Lê Huỳnh (là tác giả của vở cải lương nổi tiếng Cây dừa đỏ). Ông sinh năm 1940, tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông từng tham gia hoạt động cách mạng, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, rồi Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre. Ông nghỉ hưu theo chế độ vào năm 2001, đến năm 2003, ông đệ đơn thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Bến Tre. Ngày 7-1-2013, ông Huỳnh Văn Cam được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 

Tin cùng chuyên mục