Bà Rịa - Vũng Tàu: Khai thác thủy sản theo hướng bền vững

Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, tỉnh vẫn góp mặt trong danh sách các địa phương có tàu cá vi phạm đánh bắt thủy hải sản trái phép vùng biển nước ngoài, nên cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Lên hàng hải sản ở cảng cá Phước Tân, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Lên hàng hải sản ở cảng cá Phước Tân, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Quyết liệt chống khai thác trái phép

 Với địa hình chủ yếu giáp sông và biển, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 30.000 nhân khẩu sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Nghề săn lộc biển đã giúp làng chài lâu năm ở xứ Mô Xoài trở nên trù phú và từng có thời điểm nổi như cồn với biệt danh xã giàu nhất nước. Nhưng, vài năm trở lại đây khi ngư trường suy kiệt, lao động khan hiếm, giá nhiên liệu tăng cao đã khiến việc đánh bắt xa bờ của ngư dân ngày càng khó khăn. Thay vì tìm giải pháp khắc phục, một số ngư dân lại làm liều đưa tàu đến vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép.

Ông P.N.H., một ngư dân từng có tàu cá bị phía nước ngoài bắt giữ năm 2017, chia sẻ, hồi đó đâu có biết IUU là gì. Thấy lượng đánh bắt giảm, lại thêm áp lực tiền lãi vay, tiền công thợ thuyền nên ông đánh liều cho tàu đi sang bên ngoài khai thác. Ai dè ngay chuyến đầu tiên, cả tàu và người bị bắt giữ khiến ông mất cả chì lẫn chài.

Trước năm 2017, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường nằm trong tốp đầu danh sách các địa phương có phương tiện và ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép. Nhận thấy tính nghiêm trọng của vấn đề, từ năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành hàng loạt chỉ thị, công văn yêu cầu thực hiện các giải pháp ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Đây cũng là một trong số rất ít địa phương trong cả nước ban hành riêng một Nghị quyết về ngăn chặn, phòng chống khai thác IUU. Đến nay, tỉnh đã có hơn 2.600 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 92,7% tổng số tàu cá phải lắp đặt thiết bị và đây cũng là một trong những công cụ hữu hiệu để quản lý tàu cá.

Cùng với sự chung tay của các lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng tỉnh, tình hình đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Từ năm 2020 đến nay, số vụ tàu và thuyền viên của tỉnh bị bắt giữ rất ít.

Theo ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, qua nhiều bài học thấm thía, cùng với các đợt tuyên truyền của chính quyền và các lực lượng vũ trang, giờ đây, ngư dân Phước Tỉnh gần như có thể đọc vanh vách các khuyến cáo IUU. Ngay cả việc lưu nhật ký khai thác, một công việc khá mới mẻ nhưng ngư dân cũng thực hiện khá bài bản; năng lực xử lý hồ sơ, giấy tờ của cán bộ thủy sản đã được nâng lên một cách rõ rệt.

Chuyển đổi nghề phù hợp

 Theo nhiều chuyên gia, cùng với việc thực hiện cấp bách các giải pháp gỡ thẻ vàng, tuyệt đối không để Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ đỏ cảnh báo IUU như chỉ đạo của Chính phủ, về lâu dài cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi ngành nghề đánh bắt theo hướng bền vững. Lâu nay, ngư dân đã quen với cách đánh bắt tận diệt bằng các hình thức giã cào bay dẫn đến tình trạng ngư trường cạn kiệt, cho nên đây là việc bắt buộc thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Theo thống kê của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong hơn 2.800 tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh, có hơn 50% tàu đang hoạt động theo hình thức giã cào bay. Đây là nghề phá hủy môi trường, sinh vật tầng đáy, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, gây hại đến những loài thủy sản cần được bảo vệ như san hô, rùa biển, vích, đồi mồi và nhiều loại thủy sinh khác.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý hoạt động giã cào như: cấm hoạt động khai thác trong mùa sinh trưởng, cấm đóng mới nghề giã cào bay, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân, nhưng tiến độ khá chậm, chủ yếu do vướng mắc về nguồn vốn.

Ngư dân N.V.L. (ngụ thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ), chủ của cặp tàu giã cào hơn 500CV, chia sẻ, dù rất đồng thuận với chủ trương nhưng kinh phí chuyển đổi nghề khá lớn, tốn cả tỷ đồng. Nếu không được hỗ trợ thì ngư dân rất khó thực hiện, nhất là trong bối cảnh đánh bắt ngày càng khó khăn như hiện nay.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, tỉnh đã có quy hoạch phát triển nghề khai thác thủy hải sản theo hướng giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái; phát triển nghề có tính thân thiện với môi trường như lưới vây khơi, rê khơi, nghề câu khơi kết hợp chụp mực. Hiện sở đã hoàn thiện Đề án chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên biển để trình UBND tỉnh phê duyệt, tuy nhiên cần có lộ trình và sự hỗ trợ của các ban, ngành chức năng trong việc tạo nguồn vốn để ngư dân khai thác thủy sản gần bờ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn chuyển đổi nghề. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản để tạo công ăn việc làm phù hợp cho ngư dân.

Tin cùng chuyên mục