Để giữ vững vị thế của cây điều, các tỉnh cần ban hành chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư kinh doanh và định hướng người trồng điều theo hướng sản xuất bền vững thông qua năng suất, chất lượng và thương hiệu; đó cũng chính là ba vấn đề cốt lõi của ngành điều Việt Nam.
Vấn đề quan trọng hàng đầu là cần nghiên cứu chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, chú trọng đến khâu tuyển chọn các giống điều đầu dòng có năng suất cao, chất lượng tốt; chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học trong quy trình trồng và chế biến (CB) điều nhằm giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đi liền với đó là tổ chức lại sản xuất, CB xuất khẩu điều theo hướng hình thành các đơn vị CB có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tiềm lực tài chính và thương hiệu mạnh, sản xuất tập trung trong khu, cụm công nghiệp. Các tỉnh cần hình thành vùng trồng điều tập trung, trọng điểm để đầu tư thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; khuyến khích các hình thức liên kết giữa nông dân với nhau, giữa nông dân trồng điều với các nhà máy CB để khai thác có hiệu quả quỹ đất theo hướng tái canh, cải tạo, thâm canh tăng năng suất vườn điều, với mục tiêu tạo nhiều sản phẩm điều hữu cơ (organic). Cần có nguồn tín dụng ưu đãi cho người trồng điều vì đa số thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Ước tính, chỉ riêng tổng nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động này ở thủ phủ điều Bình Phước cần đến khoảng 600 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 - 2020.
Năm 2016, xuất khẩu điều của Việt Nam đã đạt 347.000 tấn với kim ngạch 2,84 tỷ USD. Trong đó, Bình Phước chiếm 67.584 tấn với kim ngạch 504 triệu USD. Nhờ giá điều tăng mạnh nên các DN đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm và nhờ đó nhiều DN đã thay thế dần lao động thủ công, thuận lợi cho kiểm soát chất lượng sản phẩm như màu sắc, kích thước, tồn dư hóa chất, vi khuẩn, tỷ lệ vỡ - bể… bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện sản phẩm CB từ hạt điều của cả nước chưa đa dạng và tỷ lệ sản phẩm là nhân hạt điều thô còn chiếm tỷ trọng cao, do đó các tỉnh cần chủ động tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước để hợp tác - giao thương nhằm sản xuất các sản phẩm đa dạng hơn, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ. Việc mở rộng hợp tác sẽ giúp ngành điều cả nước khai thác được lợi thế về quy mô, năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm giúp DN và người dân trồng điều thực sự được hưởng lợi xứng đáng trong chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Thứ ba là xúc tiến việc xây dựng thương hiệu hạt điều Việt Nam, trước tiên là thương hiệu điều Bình Phước. Ngành điều cần có những cải tiến mạnh mẽ ở tất cả các khâu: trồng, CB sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hướng tới sự phát triển bền vững. Vừa qua, Chính phủ Pháp đã tài trợ giúp Bình Phước thực hiện Chứng nhận chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước. Đây là cơ sở để giới thiệu cho người tiêu dùng trên toàn thế giới từng bước nhận diện được sản phẩm điều Việt Nam với hình ảnh là sản phẩm an toàn, chất lượng cao, có dinh dưỡng đặc biệt tốt, lợi ích cho sức khỏe người tiêu dùng.