Bắc cực nóng lên vì cuộc đua dầu mỏ

Tân Hoa xã đưa tin, trong chuyến công du Iceland của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Trung Quốc và Iceland đã ký 6 hiệp định hợp tác các lĩnh vực khoa học, công nghệ hàng hải, nhiệt điện. Đặc biệt, trong các hiệp định ký kết có hiệp định khung về Bắc cực. Hiệp định khung mới được ký kết trong bối cảnh các quốc gia khác cũng đang tăng tốc chạy đua về Bắc cực để khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú tại khu vực này.
Bắc cực nóng lên vì cuộc đua dầu mỏ

Tân Hoa xã đưa tin, trong chuyến công du Iceland của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Trung Quốc và Iceland đã ký 6 hiệp định hợp tác các lĩnh vực khoa học, công nghệ hàng hải, nhiệt điện. Đặc biệt, trong các hiệp định ký kết có hiệp định khung về Bắc cực. Hiệp định khung mới được ký kết trong bối cảnh các quốc gia khác cũng đang tăng tốc chạy đua về Bắc cực để khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú tại khu vực này.

  • Mỏ vàng chưa khai phá

Các nhà khoa học từng đánh giá, Bắc cực có trữ lượng dầu 90 tỷ thùng và chiếm 30% tài nguyên khí đốt chưa khai thác trên thế giới. Chính tiềm năng to lớn về dầu khí, khí đốt và nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên khác cùng viễn cảnh về một tuyến đường hàng hải mở ra khi băng tan đã thu hút sự quan tâm của nhiều nước, kể các các quốc gia ngoài Bắc cực.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất trong cơn khát dầu. Cơn khát này còn nằm ở các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ dồi dào như Nga. Với 1/3 lãnh thổ nằm trong Vành đai cực Bắc, Nga là nước tích cực nhất trong việc khẳng định ảnh hưởng tại Bắc cực. Mátxcơva đã công bố kế hoạch chi 40 tỷ USD để phát triển “Kế hoạch Bắc cực” đến năm 2020, trong đó có việc đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng và củng cố lực lượng quân đội tại khu vực này.

Gần đây, Nga đã tăng cường các cuộc tuần tra bằng máy bay ném bom tầm xa và điều nhiều tàu ngầm tới khu vực này. Nga cũng đã thiết lập 20 đồn biên phòng ở Bắc cực nhằm bảo vệ và kiểm soát biên giới và tuyến đường biển phía Bắc.

Dàn khoan Rosneft (Nga) tại Bắc cực.

Dàn khoan Rosneft (Nga) tại Bắc cực.

  • Nhiều quốc gia muốn kiểm soát

Động thái của Nga khiến các nước cận kề với Bắc cực khác như Na Uy, Đan Mạch và Canada phải khôi phục hoạt động quân sự, vốn bị hủy bỏ hoặc cắt giảm ngân sách sau khi Liên Xô sụp đổ. Thậm chí, các nước không nằm ở vùng Bắc cực như Pháp cũng ngỏ ý muốn đưa quân tới đây.

Trung tuần tháng 4, lãnh đạo quân đội của 8 nước lớn có lợi ích ở Bắc cực, gồm Canada, Mỹ, Nga, Iceland, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan đã họp tại một căn cứ quân sự Canada để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có chủ đề về Bắc cực. Trước đó, vào tháng 1, Mỹ, Canada cùng Đan Mạch đã tiến hành tập trận tại Bắc cực.

Tại khu vực Bắc cực mà Canada tuyên bố chủ quyền, Công ty Agnico-Eagle đang tìm kiếm khai thác những trữ lượng dầu khí khổng lồ và khoáng sản. Canada dự đoán rằng khi Bắc cực ấm lên, băng tan chảy và mùa đông ngắn hơn, một mặt biển sẽ rộng hơn tạo điều kiện cho khai thác tài nguyên khoáng sản phong phú. Trong khi đó, Mỹ đang tỏ ra nhanh chân hơn cả bằng cách hợp tác với Nga.

Vào ngày 17-4, việc hai hãng dầu khí khổng lồ Rosneft của Nga và ExxonMobil của Mỹ lập liên doanh để thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Bắc cực đã mở ra hướng hợp tác mới. Rosneft sẽ đóng góp 30% số vốn vào các dự án khai thác dầu khí của ExxonMobil tại Tây Texas (Mỹ), trên vịnh Mexico và Canada, còn tập đoàn của Mỹ là đối tác quan trọng đầu tư 3,2 tỷ USD vào các hoạt động thăm dò ngoài khơi tại Biển Đen và Biển Kara phía Bắc cực thuộc Nga. Theo thỏa thuận ký tại trụ sở của Rosneft, liên doanh Nga-Mỹ sẽ tiến hành việc khoan giếng thăm dò đầu tiên dự kiến vào năm 2014-2015.

Thỏa thuận giữa hai hãng dầu khí lớn của hai cường quốc hàng đầu thế giới cũng cho thấy những quốc gia đang tuyên bố chủ quyền ở Bắc cực có thể tạm gác tranh cãi sang một bên để cùng khai thác nguồn tài nguyên dồi dào. Song chính hướng hợp tác này và cả sự chạy đua khai thác tại Bắc cực giữa các quốc gia đã làm dấy lên mối lo ngại liên quan tới vấn đề môi trường. 

THANH HẰNG (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục