Đạo diễn, diễn viên Trần Lực:

Bác Hồ - vai diễn quan trọng trong sự nghiệp diễn viên của tôi

Nói về nghề diễn viên, Trần Lực cho rằng, anh là người may mắn, hạnh phúc khi được chọn vào vai Nguyễn Ái Quốc trong bộ phim truyện nhựa “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ, không phải diễn viên nào cũng có được.
Bác Hồ - vai diễn quan trọng trong sự nghiệp diễn viên của tôi

Nói về nghề diễn viên, Trần Lực cho rằng, anh là người may mắn, hạnh phúc khi được chọn vào vai Nguyễn Ái Quốc trong bộ phim truyện nhựa “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ, không phải diễn viên nào cũng có được.

Nguyễn Ái Quốc (trái) do Trần Lực thể hiện trong phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”.

Nguyễn Ái Quốc (trái) do Trần Lực thể hiện trong phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”.

* PV: Cơ duyên nào anh được chọn vào vai Nguyễn Ái Quốc trong bộ phim truyện nhựa Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công? Khi nhận vai, anh thấy mình có bị áp lực gì không?

- Diễn viên TRẦN LỰC: Tôi được các đạo diễn mời thử vai và… được chọn đóng Nguyễn Ái Quốc trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công (kịch bản: nhà văn Hữu Mai, đạo diễn: Khắc Lợi của VN và Viên Thế Kỷ - đạo diễn Trung Quốc. Bộ phim do Hãng phim Hội Nhà văn VN hợp tác sản xuất với Hãng phim Châu Giang – Trung Quốc).

Với tôi, đây là một thử thách, một cơ hội để sáng tạo một hình tượng nhân vật trong một thể loại phim mới - phim truyện chân dung -là một thách thức với diễn viên, anh ta phải thể hiện một hình ảnh cụ thể về một con người có thật, ở đây là Bác Hồ thời trẻ.

* Để có thể chuyển tải và thể hiện một cách tốt nhất nhân vật Nguyễn Ái Quốc thời gian đó, anh đã phải tìm hiểu nhân vật của mình bằng cách nào?

- Tôi xem ảnh, phim tài liệu về Bác và cuối cùng đã tìm được một cách thể hiện để cho ra một Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh: Đôi mắt Bác – luôn tập trung và… biết nói. Cùng với đạo diễn Khắc Lợi, chúng tôi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh xem những tư liệu về Bác thời kỳ Bác bị bắt ở Hồng Công. Có thể nói tư liệu về thời kỳ này rất ít.

Bác Vũ Kỳ (thư ký của Bác) đã tiếp tôi và đạo diễn Khắc Lợi, qua những câu chuyện về cuộc sống thường ngày của Bác, về những thói quen, sở thích… một phần nào tôi đã hình dung ra Bác: dung dị, dí dỏm, lịch lãm và đặc biệt rất yêu dân tộc Việt Nam.
 
* Khó khăn nhất với anh khi nhận vai này là gì?

- Đây là phim truyện chân dung, nên phải thể hiện nhân vật sao cho khán giả tin đã nhìn thấy một Nguyễn Ái Quốc “thật” và sống động. Trước tôi đã có nhiều nghệ sĩ, diễn viên thể hiện hình tượng Bác trên phim ảnh, trên sân khấu.

Ở họ, mỗi người đều để lại dấu ấn riêng của mình: người giống về ngoại hình, người ấn tượng với giọng nói truyền cảm, khí phách anh hùng… Với tôi, phải thể hiện ra được vẻ sang trọng, yêu đời, yêu đất nước, con người Việt Nam, sẵn sàng hy sinh cho dân tộc mình của Bác. Nhưng trên hết phải diễn để khán giả không thấy mình mô phỏng, bắt chước một cách máy móc dáng vẻ bên ngoài, tức là phải thể hiện một Nguyễn Ái Quốc – lãnh tụ tương lai của dân tộc Việt Nam – sống động và gần gũi với người xem.

* Được biết, lẽ ra anh đã đạo diễn một bộ phim về Bác Hồ? Vì sao dự án này không thực hiện được?

- Tôi rất thích kịch bản Nhìn ra biển cả của Nguyễn Thị Hồng Ngát và đã nhận lời làm đạo diễn phim này, nhưng do công việc quá bận rộn, nên tôi không thể thu xếp để tham gia. Không chỉ phim này, mà đoàn phim “Vượt qua bến Thượng Hải” cũng mời tôi đóng vai Bác. Thật sự, tôi rất hào hứng, nhưng cũng vì quá bận nên tôi đành thất hẹn.

* Với anh, được thể hiện hình tượng Bác Hồ có ý nghĩa thế nào trong sự nghiệp diễn viên của mình?

- Đây là một vai diễn quan trọng trong sự nghiệp diễn viên của tôi, một vai diễn khó mà chỉ có những diễn viên chuyên nghiệp mới thể hiện được. Tôi tự hào mình đã làm được việc đó.

NHƯ HOA (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục